Nga đưa ra cảnh báo này vì quá trình tham vấn giữa nước này với Mỹ về hệ thống phòng thủ tên lửa đã gần đi vào ngõ cụt.
Ngày 3/5, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang của Nga Nikolai Makarov tuyên bố, nếu Mỹ tiếp tục dự án phòng thủ tên lửa, Nga không loại trừ khả năng sẽ tấn công phủ đầu hệ thống này. Dấu hiệu trên cho thấy sự căng thẳng giữa Nga và Mỹ xung quanh kế hoạch phòng vệ tên lửa không hề giảm nhiệt.
Phát biểu tại hội nghị quốc tế, ông Nikolai khẳng định: "Quyết định sử dụng sức mạnh phá hủy để tấn công phủ đầu sẽ được chúng tôi xem xét nếu tình hình xấu đi”.
Quan điểm của ông Nikolai được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov cho biết, quá trình tham vấn Nga - Mỹ về chủ đề phòng thủ tên lửa đã gần đi vào ngõ cụt. Điều đó có nghĩa Mỹ và NATO sẽ phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo mà không cần xem xét tới lo ngại của Nga. Giờ đây, Nga đang lâm vào tình cảnh khó lựa chọn: Hoặc là hợp tác hoặc sẽ buộc phải có những giải pháp kỹ thuật quân sự để xử lý khi kế hoạch đó thành hiện thực.
Ông Serdyukov khẳng định, Nga không đồng ý với nhận định các bên không thể thống nhất quan điểm về chương trình phòng vệ của Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, ông Alexander Golts, chuyên gia quốc phòng cho biết, Nga đang gây áp lực chính trị trước hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra vào tháng này ở Chicago, nhưng không có ý định thực sự tấn công Mỹ hoặc NATO.
"Tấn công phủ đầu tức là khơi mào một cuộc chiến, điều mà chính quyền Kremlin sẽ không bao giờ dám" - ông Golts nói.
2 cường quốc luôn đối đầu
Những bình luận của Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang của Nga Nikolai Makarov đã cho thấy sự phản đối mạnh mẽ của Nga đối với lá chắn chống tên lửa mà Mỹ và NATO đang phát triển, một vấn đề sẽ tiếp tục gây căng thẳng trong các mối quan hệ sau khi ông Vladimir Putin bắt đầu một nhiệm kỳ Tổng thống 6 năm kể từ đầu tuần tới.
Moscow lo ngại rằng, các tên lửa đánh chặn mà Mỹ dự định thiết lập tại châu Âu có thể là mối đe doạ với an ninh Nga. Việc Mỹ triển khai lá chắn tên lửa ở châu Âu sẽ phá vỡ thế cân bằng hạt nhân từ thời Chiến tranh Lạnh, và gây ra một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Tuy nhiên, Mỹ và NATO cho biết chúng chỉ nhằm bảo vệ khỏi các cuộc tấn công tiềm tàng từ Iran và Triều Tiên.
Nga và Mỹ đã bất đồng về vấn đề phòng thủ tên lửa từ năm 2000, khi ý tưởng về dự án này lần đầu tiên được Tổng thống Mỹ khi đó là George W Bush đề xuất.
Tổng thống Barack Obama, người kế nhiệm ông Bush tại Nhà Trắng năm 2008, đã hủy các kế hoạch về một mạng lưới các căn cứ trải rộng từ Ba Lan tới Cộng hoà Czech với khả năng đánh chặn các tên lửa tầm xa.
Tuy nhiên năm 2010, Mỹ lại ký một thoả thuận với Ba Lan nhằm sử dụng một sân bay cũ tại Redzikowo, gần bờ biển Baltic, làm căn cứ phòng thủ tên lửa.
Về phần mình, Nga đã triển khai một trạm rada tại Kaliningrad có khả năng giám sát các vụ phóng tên lửa từ châu Âu và Bắc Altantic.
Tháng 11/2011, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân START mới với Mỹ. Ông cũng dọa sẽ triển khai tên lửa hướng về các vị trí phòng vệ của Mỹ ở châu Âu khi Nga và Mỹ không có tiến triển gì trong quá trình tham vấn về hệ thống tên lửa đạn đạo./.