Pháp, Hy Lạp và ngay cả Mỹ đều tin rằng, chỉ có tăng trưởng kinh tế mới có thể đưa châu Âu khỏi vũng lầy hiện nay.
Chính sách “thắt lưng buộc bụng” mà Liên minh châu Âu đang thực hiện để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ hiện nay bắt đầu có dấu hiệu “lung lay” sau cuộc bầu cử Tổng thống tại Pháp và bầu cử Quốc hội tại Hy Lạp vừa qua.
Ngay cả phía Mỹ cũng có những nghi ngờ về hiệu quả của chính sách này, cho dù Thủ tướng Đức vẫn quả quyết “đây là một trong những cách tốt nhất để châu Âu thoát khỏi khủng hoảng tài chính”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 7/5 bác bỏ khả năng đàm phán lại thỏa thuận về kiểm soát ngân sách và cắt giảm chi tiêu của châu Âu, đồng thời khẳng định, con đường đúng đắn để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng euro sẽ không sụp đổ chỉ vì sự thay đổi lãnh đạo tại một số quốc gia.
"Thỏa thuận tài chính là không thể thương lượng lại khi đã được 25 quốc gia thảo luận và ký kết. Tôi cho rằng, đây là thỏa thuận đúng đắn. Nguyên tắc cơ bản của Liên minh châu Âu là chúng ta không thay đổi những gì đã quyết định”, bà Merkel nhấn mạnh.
Tuyên bố của bà Merkel nhằm đáp trả Tổng thống mới đắc cử của Pháp Francois Hollande - người luôn chỉ trích chính sách cắt giảm ngân sách của Đức và cho rằng, tăng trưởng kinh tế chứ không phải chi tiêu khắc khổ mới có thể đưa châu Âu khỏi vũng lầy hiện nay.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp và cuộc bầu cử Quốc hội tại Hy Lạp vừa qua cho thấy sự bất bình của cử tri đối với cắt giảm ngân sách và phúc lợi xã hội. Tại Pháp, chiến thắng đã thuộc về ứng cử viên Hollande, người phản đối giải pháp của Đức đối với cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu. Trong khi tại Hy Lạp, các chính đảng cùng chung quan điểm này giành tới 60% phiếu bầu.
Trong khi đó, Mỹ - nước vốn nghi ngờ hiệu quả của chính sách khắc khổ cho rằng, một cách tiếp cận cân bằng giữa củng cố tài chính và thúc đẩy tăng trưởng là giải pháp tốt nhất đối với cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu.
Thư ký báo chí Nhà Trắng, Jay Carney cho biết: "Kinh tế Mỹ đang đối mặt với một số khó khăn trong đó có cuộc khủng hoảng tại khu vực đồng euro. Đó là lý do các nhà lãnh đạo Mỹ đã tiếp xúc với những nhà lãnh đạo châu Âu để tư vấn và tham vấn về giải pháp kiểm soát tình hình. Tổng thống Obama tin rằng, sự kết hợp giữa củng cố tài chính và tiếp tục thúc đẩy phục hồi kinh tế là cách tiếp cận hợp lý đối với châu Âu. Những gì mà Mỹ đang làm là đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm trong thời điểm trước mắt, sau đó mới là giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ. Đây là cách tiếp cận mà chúng tôi cho là sẽ đảm bảo phục hồi kinh tế và lập lại trật tự tài chính”.
Trước đó, Tổ chức Lao động Quốc tế còn chỉ trích các biện pháp khắc khổ mà chính phủ các nước châu Âu đang theo đuổi. Trong báo cáo "Lao động thế giới 2012", Tổ chức Lao động Quốc tế cho rằng, những biện pháp của chính phủ các nước châu Âu không những không giúp giảm thâm hụt ngân sách mà còn "phá hoại" thị trường lao động trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp trên toàn cầu tăng cao./.