Tàu Trung Quốc “đổ bộ" Biển Đông, Philippines cầu viện Mỹ

14:18, 03/05/2012

14 tàu thuyền của Trung Quốc đang ở bãi cạn Scarborough và Philippines cần vũ khí hạng nặng để đấu Trung Quốc.

Ngày 2/5, lực lượng Vũ trang Philippines cho biết, hiện tại, có tới 14 tàu thuyền của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough - khu vực đang nằm trong tranh chấp giữa hai nước. Trong số này có những tàu hàng hải lớn nhất và mạnh nhất của Trung Quốc.

 

Trong khi đó, theo hãng tin AFP, Philippines chỉ có 2 tàu: một của Cục Ngư nghiệp và Các nguồn lực dưới nước - tàu MCS 3008, và một của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển – tàu BRP Edsa II, đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của nước này ở khu vực bãi cạn Scarborough.

 

Tính đến đêm 30/4, hai tàu của Philippines đã phát hiện 14 tàu thuyền của Trung Quốc ở khu vực bãi cạn Scarborough. Trong số này có 4 tàu hàng hải lớn và 10 tàu đánh cá.

 

Các tàu hàng hải của Trung Quốc có mặt ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông gồm tàu hải giám 71, 75 và 81 cùng với một tàu Chỉ huy Thực thi Luật Ngư nghiệp - (FLEC) 310. Đây đều là những con tàu hàng hải được “ca ngợi” là hiện đại nhất, hùng mạnh nhất của Trung Quốc.

 

Ngoài ra, Philippines còn phát hiện 7 tàu đánh cá lớn và 3 tàu đánh cá nhỏ hơn “đi lại trong khu vực bãi cạn Scarborough tính đến thời điểm 8h tối 1/5”, Bộ Chỉ huy Quân sự khu vực Bắc Luzon (Nolcom) của Philippines cho biết.

 

Trước hôm 30/4, mới chỉ có 8 tàu thuyền Trung Quốc xuất hiện ở bãi cạn tranh chấp và con số này đã tăng nhanh chóng chỉ trong vòng một hai ngày.

 

Trung tướng Anthony Alcantara – người đứng đầu Nolcom, đã ra lệnh cho các tàu của Philippines tiếp tục giám sát liên tục tình hình ở khu vực tranh chấp. Ông này tuyên bố, lực lượng của ông quyết tâm “bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ”.

 

Theo Bộ Ngoại giao Philippines, tàu FLEC 310 của Trung Quốc hồi cuối tuần trước từng có hành động “bắt nạt” tàu thuyền Philippines. Tàu ELEC 310 đã tăng tốc vượt qua hai tàu của Philippines, tạo ra những con sóng cao 2m làm chao đảo những tàu thuyền gần đó. Tuy nhiên, kể từ sau vụ “dọa dẫm” này, không có thêm vụ va chạm tàu thuyền nào giữa Philippine và Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough.

 

Manila và Bắc Kinh đang có cuộc đối đầu căng thẳng xung quanh việc tranh chấp chủ quyền ở bãi cạn Scarborough sau khi xảy ra một vụ đụng độ giữa tàu thuyền hai bên hôm 8/4. Cuộc đối đầu này đã kéo dài sang tuần thứ 4 mà hai bên vẫn chưa ai chịu lùi bước.

 

Trong bối cảnh này, Manila tìm kiếm sự giúp đỡ của đồng minh thân thiết và hùng mạnh là Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh liên tục cảnh báo Philippines không được lôi kéo các nước khác vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

 

Philippines cần vũ khí hạng nặng để phòng thủ

 

Trong khi đó, cùng ngày, Philippines đã đề nghị Mỹ cung cấp cho lực lượng vũ trang nước này các tàu tuần tiễu, máy bay và các hệ thống radar trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc leo thang.

 

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario chỉ rõ các vũ khí hạng nặng sẽ giúp nước ông đạt được "khả năng phòng thủ tin cậy tối thiểu", cụm từ mà ông đã sử dụng trong cuộc đàm phán chưa có tiền lệ với các quan chức cấp cao của Mỹ tại Washington hồi đầu tuần này trong khuôn khổ phiên họp cấp cao chung đầu tiên về an ninh.

 

Trong bài nói chuyện tại Quỹ Heritage, khi đề cập đến cuộc tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông, nhà ngoại giao Philippines khẳng định: "Chúng tôi cần ngăn cản mọi cuộc xâm nhập tiếp theo vào các vùng biển mà chúng tôi có quyền chủ quyền. Chúng tôi đang đệ trình một danh mục các vũ khí hạng nặng mà Mỹ có thể giúp chúng tôi, dưới dạng các tàu tuần tiễu, máy bay tuần tra, hệ thống radar và các trạm theo dõi bờ biển. Chúng tôi đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đối tác quốc tế khác, những nước cũng rất sẵn lòng giúp đỡ".

 

Ông del Rosario cho biết: "Trong khi chờ các vũ khí mới, điều quan trọng đối với Philippines và đồng minh Mỹ là hai bên tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự theo cách thức tốt hơn, tại nhiều địa điểm hơn và thường xuyên hơn".

 

Ngoài ra, Philippines cũng đang tăng cường quan hệ đối tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và các nước khác trong các lĩnh vực như an ninh biển, hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thảm họa./.