Trung Quốc lại “thị uy” bằng sức mạnh quân sự

11:51, 22/05/2012

Trung Quốc đang chuẩn bị trình làng một tàu khu trục mang tên lửa, đồng thời lên kế hoạch đóng hai chiếc tàu sân bay mới

 Bất chấp quan ngại của các nước trong khu vực, căng thẳng trên biển Đông vẫn tiếp tục leo thang sau khi Trung Quốc điều hàng loạt tàu tuần tra và tàu chiến ra Biển Đông, cộng với đó là nhiều thông tin cho thấy nước này tiếp tục phô trương sức mạnh quân sự hòng thị uy với các nước trong khu vực.

 

Thông tin vừa được các chuyên gia quân sự nước này tiết lộ, Trung Quốc sẽ trình làng một tàu khu trục mang tên lửa mới “trong vài ngày nữa”. Chiếc tàu chiến này có nhiệm vụ chính là thể hiện sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông.

 

Thông tin về việc Trung Quốc đang đóng chiếc tàu chiến lớp Type 056 đầu tiên đã xuất hiện từ hồi cuối năm 2010. Tuy nhiên, đến thời điểm này, người ta vẫn biết rất ít thông tin kỹ thuật về loại tàu khu trục mới của Trung Quốc.

 
Xưởng đóng tàu Hudong ở Thượng Hải và Hoàng Phố ở Quảng Châu hiện đang chạy đua với thời gian để hoàn thành việc chế tạo những con tàu lớp Type 056.

 

Các quan chức của xưởng đóng tàu Hudong cuối tuần trước thông báo, chiếc tàu khu trục mang tên lửa lớp Type 056 đầu tiên sẽ được trình làng “trong vài ngày tới” và nó sẽ được đưa vào vận hành trong cuối năm nay.

 

Hiện tại, có tất cả 4 chiếc tàu khu trục lớp Type 056 đang được đóng tại hai xưởng đóng tàu nói trên. Sau khi chuyển giao chiếc tàu đầu tiên, hai xưởng đóng tàu ở Thượng Hải và Quảng Châu cũng nhanh chóng hoàn thành nốt 3 chiếc còn lại.

 

Trong khi đó, AFP dẫn lời Cục trưởng Cục An ninh Đài Loan Thái Đắc Thắng ngày 21/5 cho biết, Trung Quốc đang có kế hoạch đóng hai chiếc tàu sân bay mới, ngoài chiếc đầu tiên Varyag của nước này đang trong quá trình thử nghiệm.

 

Công trình đóng hai chiếc tàu này dự kiến bắt đầu lần lượt vào năm 2013 và 2015, sau đó sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2020 và 2022.

 

Tính từ giữa năm 2011, Trung Quốc đã cho tàu Varyag, vốn được mua từ Ukraine năm 1998, chạy thử nghiệm 6 lần. Phía Đài Loan dự đoán nó sẽ chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Lúc đầu, Varyag chỉ phục vụ cho mục đích huấn luyện, nhưng có thể được chuyển sang cho mục đích tác chiến khi cần thiết.

 

Những động thái của Trung Quốc được xem như ngoài việc để đối phó với những nước có tranh chấp ở Biển Đông như Philippines, còn nhằm để chống lại vùng lãnh thổ Đài Loan.

 

Nhằm đối phó việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, Đài Loan cũng đang tiến hành trang bị cho lực lượng phòng vệ của mình thêm nhiều tàu chiến với tên lửa chống tàu có khả năng “tiêu diệt tàu sân bay”, và xây dựng một đội tàu khu trục có công nghệ tàng hình.

 

Phát biểu tại lễ nhậm chức mới đây, lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu tuyên bố tiếp tục theo đuổi chính sách quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh, nhưng vẫn tăng cường năng lực phòng vệ trong bối cảnh tình hình khu vực diễn biến đáng quan ngại.

 

Nghị sĩ Đài Loan Lâm Hữu Phương cũng cho rằng, Đài Loan cần phải xem xét lại chiến lược phòng vệ toàn diện của mình.

 

Phản ứng với những động thái của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Philippines kêu gọi người dân nước này không nên quá quan ngại về thông tin tàu Trung Quốc liên tiếp xuất hiện trong khu vực biển Đông. Báo Daily Inquirer dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez cho biết, việc tàu thuyền của các nước đi lại ở biển Đông cũng không có gì lạ, vì đây là động thái bảo vệ tự do hàng hải của họ. Song ông Galvez cũng nhấn mạnh Manila sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn tiến ở biển Đông.

 

Báo này cũng dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, Nhật Bản sẽ cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần tra có chiều dài 40m, thông qua các khoản vay viện trợ. Tokyo cũng sẽ chuyển giao 2 tàu chiến lớn hơn cho Manila dưới dạng viện trợ không hoàn lại.

 

Ngoài ra, Ngoại trưởng Rosario trước đó còn cho biết Hàn Quốc đã cung cấp quân phục và mũ sắt cho quân đội Philippines.

 

Ông Rosario cũng tiết lộ “Bộ Quốc phòng đang xem xét khả năng mua máy bay của Hàn Quốc”. Trong chuyến thăm Philippines hồi tháng 11/2011, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak từng trao đổi vấn đề này với ông Benigno Aquino III, người đồng cấp nước chủ nhà. Lúc bấy giờ, Tổng thống Aquino đề nghị Seoul cung cấp máy bay, tàu tuần tra cùng một số loại tàu khác. Tổng thống Lee tuyên bố Hàn Quốc muốn giúp Philippines giải quyết các vấn đề liên quan đến biển đảo của nước này.

 

Không đứng ngoài cuộc, Australia cũng ra tay giúp đỡ Philippines. Theo tiết lộ của Ngoại trưởng Rosario, Australia sẽ cung cấp một số tàu hỗ trợ và giúp huấn luyện quân đội cho Philippines./.