Những động thái tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông của Trung Quốc khiến giới chức Mỹ phải cân nhắc lại việc gia nhập UNCLOS.
Việc Trung Quốc sắp trình làng một tàu tấn công đổ bộ “khủng” như vậy đang làm dấy lên sự quan ngại lớn trong giới quốc phòng ở Vùng lãnh thổ (VLT) Đài Loan. Một số chuyên gia quân sự tin rằng, tàu chiến mới của Trung Quốc có thể tạo ra một sự “thay đổi chiến lược” ở Eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Theo kế hoạch, vào đầu năm 2014, Hải quân Trung Quốc sẽ được đón nhận chiếc tàu chiến Type 081 LHD mới nhất. Sau thành công với tàu đổ bộ 13.000 tấn Type-071, tàu Type 081 LHD sẽ đánh dấu một bước thay đổi căn bản và ấn tượng trong công nghiệp đóng tàu chiến của Trung Quốc.
Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC) đã lần đầu tiên tiết lộ thiết kế của chiếc tàu chiến “khủng” mới nhất của họ tại Triển lãm Quốc phòng và An ninh 2012 diễn ra ở Bangkok, Thái Lan hồi đầu tháng 3.
Theo tạp chí quốc phòng Jane’s Defence Weekly, CSIC đã xác nhận sự tồn tại của chương trình phát triển tàu chiến Type 081 năm 2007. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tập đoàn đóng tàu lớn nhất của Trung Quốc đã từ chối cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về con tàu Type 081. Quá trình thiết kế chiếc tàu chiến mới của Trung Quốc được hoàn thành từ năm 2006.
Tàu tấn công đổ bộ Type 081 có chiều dài 211m, lượng giãn nước 22.000 tấn và đạt vận tốc tối đa khoảng 43 km/h.
Tàu Type 081 có thể mang theo 8 trực thăng trên boong cùng với 4 trực thăng và tàu đệm không khí trong khoang chứa máy bay. Tàu chiến mới của Trung Quốc có khả năng chở 1.068 lính thủy đánh bộ. Hệ thống vũ khí của tàu gồm hệ thống radar nhiều tầng, 4 tên lửa phòng không tầm ngắn và những vũ khí chống tàu ngầm. Tầm hoạt động của tàu tấn công đổ bộ Type 081 được ước tính là vào khoảng 13.000km, với khả năng tác chiến trên biển liên tục trong 30 ngày.
Dự kiến, Hải quân Trung Quốc sẽ đón nhận chiếc tàu Type 081 đầu tiên vào đầu năm 2014. Một số nguồn tin tiết lộ, Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) có kế hoạch mua 3 chiếc tàu chiến loại này để phục vụ cho hoạt động của họ trên biển.
Giới chuyên gia quân sự Đài Loan nhận định, tàu chiến Type 081 có thể làm thay đổi “cuộc chơi” trong bất kỳ chiến dịch tấn công đổ bộ nào vào vùng lãnh thổ này cũng như các đối thủ khác của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mỹ cân nhắc gia nhập UNCLOS trước “sóng gió” Biển Đông
Tình hình đáng quan ngại trên biển, nhất là ở Biển Đông, khiến Mỹ xem xét lại việc gia nhập Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
UNCLOS được xem là Công ước quan trọng bậc nhất về luật Biển quốc tế và đã được 159 quốc gia phê chuẩn. Tuy nhiên, đến nay, Mỹ vẫn đứng ngoài Công ước này vì không chấp nhận việc UNCLOS điều chỉnh về khai thác đáy biển nằm ngoài thềm lục địa của các quốc gia. Trên thực tế, Washington vẫn chấp nhận áp dụng UNCLOS như một tập quán, trừ phần XI của Công ước liên quan đến khu vực đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm ngoài quyền tài phán của các bên.
Trong quá khứ, từng xảy ra các vụ kèn cựa giữa Mỹ và Trung Quốc trên biển Đông. Ngày 1/4/2001, máy bay EP-3 của hải quân Mỹ và chiến đấu cơ J-8II của Trung Quốc va chạm trên không và máy bay Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Máy bay Trung Quốc bị rơi và phi công mất tích. Đến tháng 3/2009, tàu Impeccable của Mỹ suýt va chạm với lực lượng tuần duyên Trung Quốc. Vụ việc cho thấy khác biệt về cách hiểu và lý giải giữa hai nước về vùng đặc quyền kinh tế có thể dẫn đến xung đột nguy hiểm cho khu vực.
Những diễn biến gần đây, đặc biệt là trên biển Đông, càng khiến giới lãnh đạo Mỹ xem xét nghiêm túc việc gia nhập UNCLOS. Thời gian qua, Trung Quốc tăng cường các động thái đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông, đẩy mạnh về bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý và có hành động gây quan ngại cho nhiều bên.
Căng thẳng kéo dài hơn 1 tháng qua giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn Scarborough cũng khiến giới quan sát e ngại tình hình có thể vượt quá tầm kiểm soát. Trên biển Hoa Đông, Trung Quốc gia tăng sức ép lên Nhật Bản trong tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và tàu hai bên thường xuyên chạm mặt tại đây.
Những hành động trên của Trung Quốc bị cho là đã đe dọa tự do hàng hải và sự tuân thủ luật pháp quốc tế, những điều được Mỹ xem là lợi ích quốc gia. Do vậy, nước này liên tục có động thái tăng cường hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương như giữ lại căn cứ Futenma ở Nhật, củng cố lực lượng đóng tại Hàn Quốc, đưa lính thủy đánh bộ đến Australia… Hàng loạt các cuộc diễn tập chung với các nước ASEAN cũng phần nào nói lên quan tâm của Mỹ tại khu vực.
Tuy nhiên, những động thái trên bị cho là vẫn chưa đủ ngăn Trung Quốc hành xử như thể 80% diện tích trên biển Đông là “ao nhà” của mình. Muốn bảo đảm sự tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển, Mỹ không thể đứng ngoài UNCLOS - văn bản đã pháp điển hóa một cách toàn diện các quy tắc về Luật biển quốc tế.
Phê chuẩn Công ước lúc này là cần thiết
Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey ủng hộ phê chuẩn Công ước vì tin rằng nó sẽ củng cố lợi ích an ninh quốc gia.
Truyền thông Mỹ dẫn lời tướng Dempsey cho biết: “Nếu không phê chuẩn Công ước trong thời gian tới thì sẽ xảy ra nguy cơ đối đầu với các nước khác, vốn diễn giải tiền lệ pháp quốc tế theo hướng có lợi cho họ”.
Việc không tham gia UNCLOS khiến Mỹ ở thế yếu khi phải vận dụng tiền lệ pháp và tập quán quốc tế để giải quyết các vấn đề trên biển. Tuy nhiên, những nguồn tiền lệ pháp lại chưa rõ ràng, không thống nhất, đầy đủ. Ngoài ra, UNCLOS tạo ra nhiều cơ quan có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp.
Do không gia nhập Công ước nên Mỹ không thể tham gia các cơ quan đó, chẳng hạn như Tòa án quốc tế về luật Biển trong khi Trung Quốc lại có thẩm phán ở tòa này. Bên cạnh đó, nếu không gia nhập UNCLOS, Mỹ cũng khó tìm được cơ sở pháp lý cũng như sự chính danh để viện dẫn Công ước bác bỏ các tuyên bố phi lý của Trung Quốc.
Nếu ký kết UNCLOS, Mỹ sẽ có thêm nhiều lý lẽ để bảo vệ quyền lưu thông của các tàu thuyền, kể cả quân sự trên các vùng biển Hoa Đông, Hoàng Hải, Biển Đông… một cách chính danh hơn./.