Ai Cập trước giờ bầu cử

07:48, 16/06/2012

Nhiều người đang lo ngại nguy cơ cuộc bầu cử Tổng thống sẽ đẩy giai đoạn chuyển tiếp quyền lực của Ai Cập lâm vào thế bế tắc.

Chỉ còn vài giờ nữa là người dân Ai Cập bắt đầu đi bỏ phiếu vòng 2 của cuộc bầu cử Tổng thống. Sau nhiều mâu thuẫn và biến động vừa qua, vòng bầu cử vẫn được tổ chức theo kế hoạch trong hai ngày 16 và 17/6. Với sự kiện mang tính lịch sử này, người dân Ai Cập đặt kỳ vọng vào một cuộc bầu cử tự do, với lá phiếu tự quyết vận mệnh, tương lai của mình.

 

Tương tự như vòng bầu cử thứ nhất được tổ chức vào tháng trước, từ 8h sáng, khoảng 50 triệu cử tri Ai Cập sẽ bắt đầu tới hơn 13.000 điểm bỏ phiếu trên khắp 27 tỉnh. 2 ứng cử viên của vòng bầu cử trực tiếp này là ứng cử viên của Tổ chức anh em Hồi giáo, tổ chức chính trị có ảnh hưởng lớn nhất tại Ai Cập, Mohamed Mursi và cựu Thủ tướng thời Tổng thống Mubarack là Ahmed Shafiq.

 

Lực lượng quân đội và cảnh sát đã được tăng cường gấp đôi, lên tới khoảng 400.000 so với tháng trước, để đảm bảo an ninh do khả năng xảy ra bất ổn và đụng độ cao do một số quyết định của Tòa án hiến pháp tối cao hôm 14/6 vừa qua. Nhiều người dân Ai Cập đã tham gia biểu tình tại thủ đô Cairo và một số tỉnh thành phố khác để phản đối phán quyết của Tòa án hiến pháp, tuyên bố đạo luật cấm các quan chức chế độ cũ được tham gia chính trị là không hợp hiến.

 

Như vậy, ứng cử viên Shafiq sẽ tiếp tục được tham gia vòng bầu cử trực tiếp và điều này đã gây phản ứng mạnh trong dư luận, đặc biệt là những lực lượng và phong trào đã từng tham gia lật đổ chế độ cũ trong đợt bạo động hồi năm ngoái.

 

Ngoài ra, quyết định của Tòa án hiến phán giải tán 1/3 số ghế trong Quốc hội cũng được cho là bất lợi đối với lực lượng hồi giáo ở Ai Cập, vì các lực lượng này chiếm tới 2/3 số ghế trong Quốc hội. Với phán quyết này, Quốc hội sẽ bị giải tán và một khi phải bầu cử lại, khả năng lực lượng Hồi giáo sẽ khó có được lợi thế như trước. Với việc Quốc hội bị giải tán, toàn bộ quyền lực sẽ do quân đội nắm giữ kể cả việc đưa ra quyết định thành lập ủy ban lập hiến.

 

Cuộc đua tới chức Tổng thống trở nên gay gắt kể từ sau khi kết quả vòng 1 được công bố. Những người phản đối ứng cử viên Shafiq cho rằng, ông này là đại diện của chế độ cũ và nếu ông này thắng cử thì thành quả của cuộc nổi dậy năm ngoái lại trở về con số không.

 

Trong khi đó những người phản đối ứng cử viên Mursi cho rằng, ông này cùng với Tổ chức anh em Hồi giáo sẽ biến Ai Cập thành một nhà nước Hồi giáo cứng rắn. Chính vì vậy, vòng bầu cử trực tiếp này là một viễn cảnh không mấy dễ dàng cho người dân Ai Cập.

 

Với thực trạng này, nhiều người đang lo ngại nguy cơ cuộc bầu cử Tổng thống sẽ đẩy giai đoạn chuyển tiếp quyền lực của Ai Cập lâm vào thế bế tắc, thay vì chấm dứt thời kỳ khủng hoảng chính trị và mở ra một kỷ nguyên mới như nó đã từng được kỳ vọng. Tuy nhiên việc bầu cử Tổng thống mới vẫn là tất yếu vì đây là khả năng duy nhất giúp Ai Cập dần ổn định và lấy lại vị thế của mình trong khu vực và quốc tế.

 

Theo kế hoạch, chức vụ tổng thống mới sẽ được thông báo ngày 21/6 và quân đội sẽ tiến hành chuyển giao quyền lực vào ngày 30/6./.