Bước lùi của giá dầu

09:21, 05/06/2012

Trung Quốc vừa giảm giá xăng lần đầu tiên trong năm 2012 khi mỗi lít xăng, người tiêu dùng nước này tiết kiệm được 0,24 nhân dân tệ. Các trạm xăng dầu tại nhiều quốc gia từ Đông sang Tây cũng đã khiến khách hàng hài lòng nhờ những điều chỉnh giá phù hợp với thực trạng giá dầu thô thế giới đang liên tiếp giảm.

Sự tuột dốc của "vàng đen" đã trở thành chủ đề “nóng” được quan tâm nhiều nhất trong tháng qua cả trên thị trường lẫn các sàn giao dịch quốc tế. Chưa khi nào trong vòng hơn 3 năm, giá dầu lại lập kỷ lục về tháng giảm giá mạnh như vậy. Với các chuỗi đi xuống liên tục, dầu đã mất tới 17% giá trị chỉ trong tháng 5. Thế nhưng, các hợp đồng kết thúc tháng qua ở mức 86,53 USD/thùng chưa phải là giá đáy. Xu hướng trầm lắng vẫn thống trị trên khắp các sàn giao dịch dầu mỏ toàn cầu để đến ngày 4-6, dầu thô lại thêm một lần rớt giá xuống ngưỡng không ngờ 81,64 USD/thùng. Trước những cảnh báo từng được đưa ra về nguy cơ do giá dầu đắt đỏ trong quá trình hồi phục kinh tế thế giới, giá nhiên liệu thấp được hiểu như một chỉ dấu tích cực trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, cú "đổ đèo" của giá dầu thời gian qua dù đã tạo nét chấm phá quan trọng trên bức tranh xám màu của kinh tế thế giới, song lại khẳng định kinh tế toàn cầu vẫn đang suy giảm và bị rình rập bởi bóng ma suy thoái lần hai.

 

Châu Âu vẫn chưa tìm được lối thoát khả dĩ cho cơn khủng hoảng nợ chưa từng có trong lịch sử. Hết ngân hàng Hy Lạp đến nhà băng Tây Ban Nha lần lượt là mục tiêu hạ bậc tín nhiệm của các nhà đánh giá tín dụng uy tín. Trần xếp hạng trái phiếu phát hành bằng nội tệ của Athens lại vừa bị Moody's hạ xuống Caa2 cùng với khả năng Hy Lạp rời khu vực đồng euro tăng cao. Trong khi đó, chỉ số tín nhiệm của Italia cũng đã ngậm ngùi rơi xuống BB+ như án phạt cho nền kinh tế trì trệ. Sau các cuộc bầu cử chứng kiến sự thắng thế của các lãnh đạo theo lập trường chống "thắt lưng buộc bụng", Lục địa già lại khuấy động các thị trường toàn cầu bằng những tin tức chẳng mấy vui vẻ. Triển vọng tiêu cực từ trung tâm kinh tế lớn của thế giới không thể tạo đà cho một sự đảo chiều đáng kể nào của giá dầu thô.

 

Thế nhưng, không phải chỉ Châu Âu nắm giữ "yếu huyệt" tạo cơn dịch chuyển của giá dầu hiện nay. Cho dù, trong hơn hai năm qua, chưa khi nào Cựu lục địa khiến giới đầu tư thực sự an lòng nhưng không ít nhà phân tích đã chỉ ra rằng, những số liệu kinh tế tẻ nhạt từ Mỹ mới là cú bồi đáng kể tạo sức ép lên thị trường nhiên liệu. Với GDP quý I chỉ tăng 1,9% so với 2,2% ước tính ban đầu, không thể chối cãi một sự thật là nền kinh tế lớn nhất thế giới vừa trở lại quỹ đạo khó khăn sau một thời gian đạt được những số liệu đáng mừng. Cuộc tìm kiếm tăng trưởng khá nhọc nhằn của kinh tế Mỹ cũng được thể hiện rõ qua số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đang gia tăng khi số việc làm mới được tạo ra trong tháng 5 chỉ là 133.000, thấp hơn so với con số 150.000 cam kết trước đó.

 

Như kết quả của quá trình hồi phục mong manh và dễ đảo ngược, sản xuất kém khởi sắc đã đưa dự trữ dầu thô tại quốc gia tiêu thụ dầu mỏ số 1 thế giới tăng thêm 2,21 triệu thùng trong tuần cuối cùng của tháng 5, vượt xa dự đoán 1 triệu thùng. Cùng 384,7 triệu thùng dầu đang nằm kho, lượng dự trữ nhiên liệu của Mỹ đã lên ngưỡng cao nhất trong vòng 22 năm qua. Lượng hàng tồn kho khổng lồ này luôn được xem là thước đo cho sức khỏe của cường quốc kinh tế thế giới cũng như của thị trường dầu toàn cầu. Tâm lý e ngại đã lập tức châm ngòi cho làn sóng bán tháo, đưa dầu thô ra khỏi danh sách những hàng hóa hấp dẫn đối với giới đầu tư trong thời điểm hiện nay.

 

Mặc dù không còn cách ngưỡng 80 USD/thùng là bao, nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng dầu thô khó có thể lập nên cú lội ngược dòng trong thời gian trước mắt. Không chỉ bầu không khí kinh tế thế giới không ủng hộ cho sự cất cánh của giá dầu, mà trên mặt trận chính trị, các cuộc đàm phán giảm bớt căng thẳng về cuộc đối đầu giữa Iran và phương Tây cũng trở thành nhân tố khiến "vàng đen" vất vả hơn trong đoạn trường ra khỏi khúc quanh đang hiện hữu.