Lợi ích của Mỹ và phương Tây đang bị đe dọa nghiêm trọng khi Y-ê-men bị coi là một "trung tâm khủng bố" tại Bán đảo A-rập. Gần đây, tại nước này liên tiếp xảy ra các vụ bắt cóc, giết quan chức chính phủ, quân đội và người nước ngoài.
Ðược sự yểm trợ của cố vấn quân sự và máy bay không người lái Mỹ, quân đội Y-ê-men đã dồn dập mở các chiến dịch truy quét An Kê-đa, lực lượng luôn nuôi ý định tiến công nhằm vào phương Tây.
Y-Ê-MEN được coi là thành trì của nhánh An Kê-đa trên bán đảo A-rập (AQAP), lực lượng bị Mỹ liệt vào "nhóm nguy hiểm nhất" trong mạng lưới khủng bố quốc tế. Kể từ sau khi Mỹ hậu thuẫn quá trình chuyển giao quyền lực tại Y-ê-men năm ngoái, tình hình an ninh nước này vẫn diễn biến phức tạp. Các nhóm nổi dậy có quan hệ với AQAP lợi dụng chia rẽ giữa các phe phái ở Y-ê-men để thực hiện hàng loạt cuộc tiến công dữ dội và giành quyền kiểm soát một số khu vực ở phía nam nước này.
Các vụ ám sát, bắt cóc con tin, tiến công đường ống dẫn dầu, khí đốt và dây tải điện xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại cho Y-ê-men khoảng 250 triệu USD/tháng. Mỹ và A-rập Xê-út, nước láng giềng của Y-ê-men, lo ngại tình trạng bất ổn ở quốc gia này có thể tạo điều kiện cho AQAP cắm rễ sâu hơn và mở rộng hoạt động trong khu vực.
Sự phát triển nhanh của lực lượng An Kê-đa làm Mỹ đau đầu. Cố vấn cao cấp về chống khủng bố của Nhà trắng G.Bren-nan từng tuyên bố, Oa-sinh-tơn sẽ không nghỉ ngơi cho tới khi tổ chức An Kê-đa bị phá vỡ và loại khỏi các khu vực Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan, Y-ê-men, châu Phi và nhiều khu vực khác. Các quan chức tình báo và an ninh phương Tây nhận định, Y-ê-men là trung tâm cuộc chiến chống các phần tử Hồi giáo cực đoan. G.Da-rát, cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia về chống khủng bố dưới thời Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ và hiện là Cố vấn cấp cao tại trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Oa-sinh-tơn cho rằng, Lầu năm góc sẽ tập trung vào mối đe dọa từ Y-ê-men và cho phép đồng minh ở khu vực thực hiện các chiến dịch truy quét An Kê-đa trên mặt đất.
Còn đối với Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng L.Pa-nét-ta khẳng định, không có triển vọng cho các chiến dịch trên mặt đất ở Y-ê-men, nhất là trong bối cảnh Oa-sinh-tơn đã hao người tốn của vào hai cuộc chiến ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan. Tuy nhiên, thay vào đó, một chiến lược khác được áp dụng ở quốc gia trên bán đảo A-rập này là sử dụng máy bay không người lái, cố vấn quân sự và các lực lượng tại chỗ, coi đây là mô hình mới cho các cuộc chiến của Mỹ trong tương lai.
Sự can thiệp sâu hơn của Mỹ và nước ngoài vào Y-ê-men gia tăng rõ rệt với việc triển khai hàng trăm cố vấn quân sự và các chiến dịch không kích bằng máy bay không người lái. Có thể nói, cuộc chiến thứ ba của Mỹ đang leo thang nhanh chóng trên bầu trời Y-ê-men. Số cố vấn quân sự đặc nhiệm của Mỹ được đưa vào huấn luyện cho các lực lượng Y-ê-men ngày càng tăng. Trong khi đó, dù gặp khó khăn về ngân sách, Lầu năm góc vẫn duy trì viện trợ tài chính cho Y-ê-men. Từ năm 2007 đến 2011, Y-ê-men đã nhận từ Mỹ khoản viện trợ an ninh 326 triệu USD. Tài trợ nhân đạo và tài chính từ các nước phương Tây và vùng Vịnh cho nước này cũng tăng đáng kể. Tại cuộc gặp "Những bạn bè của Y-ê-men" diễn ra cuối tháng 5 vừa qua ở A-rập Xê-út, các nước cam kết tài trợ khoảng bốn tỷ USD cho Y-ê-men.
Mục tiêu của các cường quốc nhằm giúp Y-ê-men trụ vững và tránh để nước này trở thành một Xô-ma-li-a thứ hai. Ðiều này đồng nghĩa với việc vừa phải giúp Y-ê-men "tống khứ" AQAP khỏi vùng lãnh thổ chiếm đóng ở miền nam, vừa đối phó lực lượng bộ tộc người Hồi giáo dòng Si-ít ly khai ở miền bắc. Ðược sự yểm trợ của máy bay không người lái Mỹ, lực lượng an ninh Y-ê-men đã tiến công sào huyệt của An Kê-đa.
Tuy nhiên, sự phản công của quân nổi dậy cũng gây nhiều thiệt hại cho quân đội Chính phủ Y-ê-men. Lực lượng đối lập ở nước này chỉ trích rằng, các chiến dịch không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ chưa hiệu quả, bởi phần lớn nạn nhân là dân thường. Trong khi đó, sự gia tăng về quy mô, phạm vi và ảnh hưởng của AQAP cho thấy, hoạt động tình báo và khả năng tiến công của Mỹ và phương Tây nhằm giảm mối đe dọa khủng bố ở Y-ê-men không dễ dàng chút nào.