Ông chủ mạng WikiLeaks Julian Assange hôm qua đến sứ quán Ecuador ở London để xin tị nạn chính trị, tiếp tục cuộc chiến chống lại lệnh dẫn độ sang Thụy Điển quanh cáo buộc cưỡng hiếp hai phụ nữ.
AFP cho hay Assange sẽ lưu lại sứ quán dưới sự bảo vệ của chính phủ Ecuador trong khi Quito cân nhắc đơn xin tị nạn của ông. Sứ quán cho biết sẽ tham khảo ý kiến của Anh, Thụy Điển và Mỹ để đảm bảo giải quyết vụ việc theo đúng luật pháp quốc tế.
"Quyết định xem xét đơn của ông Assange không nên được hiểu là chính phủ Ecuador can thiệp vào tiến trình pháp lý của Anh hay Thụy Điển", sứ quán nói trong một thông báo.
Thủ tướng Australia Julia Gillard cũng cho biết nước này sẽ hỗ trợ cho ông chủ WikiLeaks như bất kỳ công dân Australia nào ở nước ngoài gặp khó khăn về pháp lý.
Chủ bút 40 tuổi xác nhận trong một thông báo rằng ông đang tìm kiếm "quyền bảo hộ ngoại giao và tị nạn chính trị", đồng thời bày tỏ sự biết ơn đến đại sứ và chính phủ Ecuador vì đã cân nhắc đề nghị của ông.
Ecuador từng cấp quyền cư trú cho Assange hồi năm 2010 khi chính phủ nước này muốn mời ông sang nói chuyện. Ecuador khi đó đã bày tỏ sự lo ngại về những hoạt động của Mỹ mà WikiLeaks tiết lộ qua việc công bố các tài liệu mật. Assange cũng từng phỏng vấn Tổng thống Ecuador Rafael Correa trong một chương trình đối thoại của mình được phát sóng trên kênh truyền hình quốc tế Nga RT hồi tháng 4.
Assange bị bắt hồi tháng 12/2010 sau khi hai phụ nữ tố cáo ông quấy rối tình dục và cưỡng hiếp họ tại Thụy Điển. Tuy nhiên, chủ bút Wikileaks tuyên bố việc quan hệ tình dục trên có sự đồng thuận từ hai phía và những cáo buộc dành cho ông mang động cơ chính trị. Website đình đám của ông từng gây chấn động thế giới bằng việc đăng tải một phần trong hơn 250.000 tài liệu ngoại giao bí mật của Mỹ. Chính quyền Mỹ đã mở một cuộc điều tra Assange vào tháng 7 năm đó nhưng vẫn chưa đưa ra bất kỳ cáo buộc nào.
Cuộc chiến pháp lý chống lại lệnh dẫn độ sang Thụy Điển của Assange đã kéo dài hơn 18 tháng. Đề xuất tị nạn được đưa ra sau khi Tòa án Tối cao Anh tháng trước đồng ý bàn giao ông cho Thụy Điển xét xử và không mở lại phiên xét xử. Tuy nhiên, tòa án cho biết thủ tục dẫn độ cần hai tuần để hoàn thành. Trong khi đó, Assange vẫn còn cơ hội kháng cáo lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu ở Strasbourg, Pháp.