EU vẫn bất đồng về hướng đi đến một mục tiêu chung

08:10, 29/06/2012

Với những bất đồng căn bản, Hội nghị Thượng đỉnh được đánh giá là “mang tính sống còn” đối với châu Âu có thể sẽ rơi vào bế tắc.

Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu khai mạc ngày 28/6 tại Brussels, Bỉ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công đang làm lung lay đến tận gốc rễ những nền kinh tế lớn của “lục địa già”. Tuy nhiên, tại cuộc họp các nhà lãnh đạo của khối tiếp tục công khai chia rẽ về các bước tiếp theo nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng hiện nay.

 

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết, đây là Hội nghị có tính sống còn đối với Liên minh châu Âu, là cơ hội thực hiện những điều mà người dân châu Âu hy vọng. Theo ông, nhiệm vụ của Hội nghị lần này là phải thông qua được những biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm tại châu Âu, đồng thời đưa ra một kế hoạch để cứu đồng tiền chung ơrô khỏi bị sụp đổ, kéo theo hậu quả khôn lường đối với nền kinh tế toàn cầu.

 
 

“Khôi phục lại tăng trưởng của các nền kinh tế, tạo việc làm, đặc biệt là cho người trẻ tuổi. Đó là những việc chúng ta cần làm ngay. Việc khôi phục lại lòng tin của thị trường đối với đồng euro đòi hỏi có sự ổn định trong hôm nay và một cái nhìn triển vọng cho tương lai”, ông Rompuy cho biết.

 

Về mặt lý thuyết, các nhà lãnh đạo châu Âu đều nhất trí với một mục tiêu chung, đó là phải khắc phục sự mất cân bằng hiện nay giữa các nền kinh tế châu Âu và tạo ra sự phối hợp tài chính nhịp nhàng hơn giữa những nước đang dùng chung một loại tiền tệ. Tuy nhiên, con đường đi đến mục tiêu chung đó lại là vấn đề mà họ đang tranh cãi.

 

Tân Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng, châu Âu cần phải đoàn kết hơn nữa, đồng nghĩa với việc phải giúp đỡ các nước đang gặp khó khăn, trước khi đòi hỏi những nước này từ bỏ “quyền tự quyết chính sách”.

 

“Tôi hy vọng chúng ta sẽ đưa ra được một quyết định cho phép giúp đỡ các nền kinh tế đang gặp khó khăn. Đó phải là những giải pháp rất nhanh chóng để trợ giúp các nước đang nỗ lực củng cố lại hệ thống tài chính công của họ”, ông Hollande nói.

 

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel lại cho rằng, không thể đưa ra những trợ giúp tín dụng nếu các nước đang gặp khó khăn tài chính không chứng minh năng lực kiểm soát thuế và chi tiêu chính phủ. Phát biểu hôm qua, bà Merkel nói: “Chúng tôi đã có một chương trình thảo luận hữu ích, đặc biệt là về các đầu tư trong tương lai, giải quyết tình trạng thất nghiệp, trong đó có thất nghiệp ở thanh niên. Tôi hy vọng có thể thông qua những Hiệp ước này để truyền tải một thông điệp quan trọng về một giải pháp đi kèm với những Hiệp ước tài chính. Một mặt chúng ta phải duy trì ngân sách độc lập, mặt khác phải thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm”.

 

Tại cuộc họp lần này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso đề xuất thành lập một Kho bạc chung của khu vực đồng euro để phát hành trái phiếu trung hạn, đồng thời lập ra một liên minh ngân hàng có quỹ đảm bảo tiền gửi chung. Tuy nhiên, trước thềm cuộc họp, Thủ tướng Đức Merkel tuyên bố, nền kinh tế đầu tàu của châu Âu bác bỏ đề xuất chính của Pháp về phát hành trái phiếu Khu vực đồng euro. Bà Merkel khẳng định, các công cụ chung của Khu vực đồng euro như trái phiếu, hóa đơn thanh toán và kế hoạch chuộc nợ không phù hợp với Hiến pháp của Đức, sai lầm và phản tác dụng về kinh tế.

 

Với những bất đồng căn bản và thái độ kiên quyết không thay đổi lập trường mà bà Merkel đã thể hiện trước khi đến Brussels ngày 28/6, cuộc họp được đánh giá là “mang tính sống còn” đối với châu Âu có thể sẽ rơi vào bế tắc./.