Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận Mỹ đã cung cấp thiết bị liên lạc cho các thành viên lực lượng "đối lập hòa bình" ở Syria
Ngày 14/6, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã lên tiếng thừa nhận Mỹ đã cung cấp thiết bị liên lạc cùng các hình thức hỗ trợ khác cho các thành viên lực lượng "đối lập hòa bình" ở Syria. Bà Nuland nói rằng sự hỗ trợ này của Mỹ là một phần trong kế hoạch cung cấp thiết bị "phi sát thương" cho người Syria trong chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, và là một phần trong nỗ lực toàn cầu ủng hộ tự do Internet.
Bà Nuland từ chối cho biết cụ thể những hỗ trợ trên, nhưng theo một nguồn tin cho hay, việc hỗ trợ bao gồm các thiết bị như phần mềm mã hóa giúp truy cập Internet một cách kín đáo và xuyên qua tường lửa, các điện thoại vệ tinh có khả năng định vị toàn cầu "để chỉ ra những nơi có tội ác".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định các sáng kiến về tự do Internet là một phần của chương trình mà Mỹ đã thực hiện từ lâu trên khắp thế giới. Mỹ đã chi 76 triệu USD cho các chương trình này từ năm 2008 đến nay. Riêng trong năm 2012, Washington sẽ dành thêm 25 triệu USD cho mục đích này.
Cùng ngày, một động thái khác của Mỹ cũng được xem là việc nước này đang củng cố quan hệ với phe đối lập Syria đó là Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Bộ Ngoại giao nước này và Saudi Arabiat, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar giúp Quân đội Giải phóng Syria (FSA) phát triển các tuyến đường hậu cần.
Theo tờ The Wall Street Journal dẫn lời giới chức Mỹ cho biết, dựa vào các tuyến đường đó, Mỹ cùng đồng minh sẽ đưa hàng tiếp viện vào Syria và huấn luyện FSA về thông tin liên lạc. Washington cũng đang cân nhắc khả năng chia sẻ thông tin tình báo với FSA để giúp họ tránh né lực lượng chính phủ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn thận trọng về mối liên hệ đáng ngờ giữa một số thành viên FSA với các tay súng Hồi giáo cực đoan, bao gồm những phần tử al-Qaeda. Ngoài ra, Washington cũng cân nhắc việc FSA không phải là đại diện cho mọi lực lượng chống đối ở Syria.
Song song với những động thái được hiểu là Mỹ đang “ủng hộ” phe đối lập ở Syria, Mỹ vẫn bày tỏ mong muốn Syria thực thi đầy đủ kế hoạch hoà bình do đặc phái viên Annan đề xuất.
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, quan điểm của Mỹ về vấn đề Syria là rõ ràng. Mỹ sẽ phối hợp với các bên liên quan, bao gồm Liên Hợp Quốc và các đối tác có liên quan để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria. Bà Clinton cũng cho biết sẽ thảo luận sâu hơn với đặc phái viên Kofi Annan trước khi diễn ra một cuộc gặp quốc tế về vấn đề Syria.
Trước đó, theo đề xuất của ông Annan, các quốc gia có tầm ảnh hưởng tới chính phủ Syria và lực lượng đối lập sẽ tiến hành một cuộc gặp nhằm thành lập nhóm tiếp xúc quốc tế về Syria./.