Mặc dù không có bất ổn nào xẩy ra, nhưng trong ngày đầu của cuộc bầu cử, khác với các tỉnh và thành phố khác, tỷ lệ bỏ phiếu ở thủ đô Cairo là rất thấp.
Ngày 16/6, khoảng 50 trịêu cử tri Ai Cập đã tham gia bỏ phiếu tại hơn 13.000 điểm bỏ phiếu trên cả nước. Thời gian bỏ phiếu diễn ra từ 8h sáng và kéo dài tới 9h tối, dài hơn 1 giờ so với kế hoạch ban đầu.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong không khí yên bình và chỉ có một số ít tranh cãi được ghi nhận tại các điểm bỏ phiếu. Khoảng 400.000 binh sỹ và nhân viên cảnh sát đã được tăng cường để đảm bảo an ninh trong quá trình bầu cử, gấp đôi so với vòng 1 được tổ thức tháng trước.
Vài giờ trước khi vòng bầu cử bắt đầu, Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang đã tái khẳng định nỗ lực đảm bảo một cuộc bầu cử công bằng và tự do. Hội đồng quân sự thông báo sẽ xử lý nghiêm các nỗ lực ngăn người dân tự do bỏ phiếu và các vi phạm trong 2 ngày bầu cử.
Hơn 14.000 thẩm phán cùng với hơn 9.500 đại diện các tổ chức nhân quyền trong nước và hơn 200 giám sát viên của 3 tổ chức quốc tế cùng với các tổ chức khu vực như Liên đoàn Arab, Liên minh Châu phi và Liên minh châu Âu cùng tham gia giám sát tại các điểm bỏ phiếu.
Mặc dù không có bất ổn nào xẩy ra, nhưng trong ngày đầu của cuộc bầu cử, khác với các tỉnh và thành phố khác, tỷ lệ bỏ phiếu ở thủ đô Cairo là rất thấp. Tại một số điểm bỏ phiếu, chỉ có lác đác vài người và con số này duy trì từ buối sáng cho tới hết giờ bỏ phiếu. Không khí bầu cử rất yên lặng và nếu tình hình vẫn tiếp tục trong ngày thứ 2 thì khả năng tỷ lệ bỏ phiếu sẽ thấp hơn con số 46% của vòng 1.
Trước đó, khi biết vòng 2 của cuộc bầu cử sẽ diễn ra giữa ứng cử viên của Tổ chức anh em Hồi giáo, Mohamed Mursi và cựu Thủ tướng thời tổng thống Mubarak Ahmed Shafiq, nhiều người dân Ai Cập đã trở nên phân vân không biết nên chọn ai.
Những người phản đối ứng cử viên Shafiq cho rằng, ông này là đại diện của chế độ cũ và nếu ông này thắng cử thì thành quả của cuộc nổi dậy năm ngoái lại trở về con số không. Trong khi đó những người phản đối ứng cử viên Mursi cho rằng, ông này cùng với Tổ chức anh em Hồi giáo sẽ biến Ai Cập thành một nhà nước Hồi giáo cứng rắn.
"Tôi bỏ phiếu cho ông Shafiq vì ông này là một người hiểu biết về chính trị, có kinh nghiệm điều hành và tôi nghĩ là sẽ lãnh đạo đất nước tốt hơn ông Mursi”.
“Trong bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ ông Mursi sẽ phù hợp hơn vì nếu ông Shafiq thắng cử có nghĩa chế độ cầm quyền cũ sẽ lại lên ngôi và Ai Cập lại quay trở về con đường cũ”.
“Tôi thực sự không biết nên bỏ phiếu cho ai. Nếu Mursi thắng cử, chúng tôi rất sợ đất nước sẽ đi theo chiều hướng cứng rắn hơn, còn nếu Ahmed Shafiq giành chiến thắng, thì chúng tôi sợ chính quyền cũ sẽ quay lại, và nếu điều đó xẩy ra, cuộc cách mạng mà chúng tôi đã thực hiện sẽ bị xoá sổ. Tuy nhiên chúng tôi cũng đã quá mệt mỏi với những gì đang diễn ra tại Ai Cập và chúng tôi hy vọng 1 chế độ mới sẽ mang lại những điều tốt đẹp hơn so với trước kia”.
Trên đây là những ý kiến trái chiều nhau trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống vòng 2 tại Ai Cập, thể hiện sự lưỡng lự của người dân khi phải chọn lựa người đứng đầu đất nước.
Theo kế hoạch, quá trình kiểm phiếu sẽ diễn ra vào ngày thứ 2 và chức vụ tổng thống mới sẽ được thông báo ngày 21/6. Quân đội sẽ tiến hành chuyển giao quyền lực vào ngày 30/06./.