Nhật Bản đồng ý cùng Australia và Mỹ mở rộng việc tập trận chung. Trong khi đó, Indonesia đang có ý định mua vũ khí của Mỹ.
Hội nghị an ninh châu Á Shangri-La tại Singapore kết thúc ngày 3/6 với việc nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương lên tiếng ủng hộ chiến lược quân sự mới của Mỹ tập trung vào khu vực này.
Trung Quốc ngày 3/6 cho biết sẽ tăng cường cảnh giác, nhưng không đáp trả, sau tuyên bố của Mỹ về kế hoạch chuyển trọng tâm đội hình tàu chiến sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trung Quốc “không cho phép Mỹ nhúng tay vào” Biển Đông
Trong phát biểu phản ứng đầu tiên của Bắc Kinh, tướng Ren Hai Quan, thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc khẳng định: “Tôi tin rằng đây là phản ứng của Mỹ đối với lợi ích quốc gia, những khó khăn tài chính và phát triển an ninh toàn cầu của họ. Chúng ta đang đối mặt với những diễn tiến cực kỳ phức tạp và chúng ta phải chuẩn bị đối phó với mọi tình huống phức tạp và nghiêm trọng”.
Tờ Nhân dân nhật báo ngày 3/6 có bài phân tích cho rằng, Trung Quốc cần vạch rõ giới hạn của Mỹ đối với vấn đề biển Đông. Bắc Kinh thừa nhận rằng không thể gạt Mỹ ra khỏi vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Đông, nhưng đã đến lúc cần phải vạch rõ giới hạn can thiệp của Mỹ.
Theo đó, Mỹ có lợi ích ở biển Đông, Trung Quốc công nhận, nhưng Mỹ không phải là quốc gia ven biển Đông, việc Washington thiết lập đồng minh với nước nào trong khu vực, ký kết những hiệp định bảo hộ gì, Bắc Kinh không cần biết, nhưng tranh chấp biển Đông là tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước liên quan, không can hệ gì với Mỹ và “không cho phép Mỹ nhúng tay vào”.
Tờ Nhân dân nhật báo nhấn mạnh, giải quyết tranh chấp biển Đông không cần trọng tài. Mỹ có quyền phát ngôn, có quyền can thiệp, nhưng không có quyền quyết định, cũng chẳng có quyền dẫn dắt, chỉ có thể nói xong thì thôi. Washington cần làm quen với sự thay đổi này.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã công bố kế hoạch thay đổi tỉ lệ tàu chiến tại Thái Bình Dương và Đại Tây Dương sang 60-40 thay vì 50-50 như trước đây. Số tàu được triển khai tại khu vực sẽ gồm 6 trên tổng 11 hàng không mẫu hạm, tàu khu trục, tàu ngầm... Việc tăng cường hiện diện sẽ cho phép Hải quân Mỹ đẩy mạnh các hoạt động diễn tập quân sự và viếng thăm. Năm 2011, Mỹ đã tham gia 172 cuộc tập trận tại châu Á.
Khi được hỏi liệu hỗ trợ quân sự cho các đồng minh châu Á có làm tăng nguy cơ gây ra mâu thuẫn hay không, ông Panetta cho biết, Washington luôn sẵn sàng giúp các nước tự vệ, nhưng cũng khuyến khích họ tuân theo luật pháp quốc tế.
“Chúng tôi không ngây thơ và Trung Quốc cũng vậy. Chúng tôi đều hiểu những mâu thuẫn đang gặp phải, chúng tôi cũng hiểu không có lựa chọn nào khác ngoài việc phối hợp và cải thiện liên lạc”, ông Leon Panetta nói.
Nhiều nước tăng cường tập trận, hợp tác quốc phòng
Sự thay đổi chiến lược của Mỹ là thách thức mới đối với các đồng minh từ châu Âu đến châu Á.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 3/6 hối thúc các nước châu Âu nên suy nghĩ lại về chiến lược quốc phòng của mình sau khi Mỹ chuyển hướng sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
AFP dẫn lời ông Le Drian nói: “Mỹ đã tuyên bố sẽ ưu tiên cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nên ở đâu đó tại châu Âu sẽ xuất hiện lỗ hổng”.
Mỹ là thành viên quan trọng bậc nhất trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nhiều nước châu Á, ngoài Hàn Quốc và Nhật Bản cho rằng, sẽ khó khăn trong việc cân bằng giữa quan hệ kinh tế với Bắc Kinh và quan hệ quốc phòng với Washington.
Một số nước lo ngại, nếu Mỹ cố gắng cô lập Trung Quốc, các nước châu Á còn lại sẽ phải trả giá. Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết không nước nào muốn rơi vào tình thế phải chọn lấy một bên.
Tuy nhiên, hầu hết các đồng minh quan trọng của Mỹ đều thể hiện ủng hộ sự thay đổi chiến lược của Washington. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith hoan nghênh tuyên bố của ông Panetta và khẳng định nó sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh. Australia cũng là một phần quan trọng trong chiến lược mới của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương với khoảng 2.500 quân của Washington sẽ được triển khai tại đây.
Tại hội nghị, Nhật Bản đã đồng ý cùng Australia và Mỹ phác thảo kế hoạch tăng cường hợp tác quốc phòng giữa ba nước, gồm mở rộng việc tập trận chung.
Phát biểu trên Canadian Press, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Peter Gordon MacKay đề xuất thành lập một trung tâm hỗ trợ hậu cần cho các nỗ lực giải cứu và hỗ trợ nhân đạo trong khu vực.
Singapore cũng đồng ý cho phép Mỹ triển khai 4 tàu chiến gần bờ tại nước này với điều kiện các thủy thủ trên tàu phải sống trên tàu trong thời gian cập cảng. Trong khi đó, Indonesia đang có ý định mua vũ khí của Mỹ và tham gia một số cuộc tập trận chung.
Giáo sư Carlyle Thayer của Đại học New South Wales của Australia nhận định: “Mỹ chọn châu Á - Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu cho thấy, trung tâm tài chính thế giới đã dịch chuyển về khu vực này”.
Đông Nam Á được mệnh danh là vịnh Ba Tư thứ hai với tiềm năng lớn về dầu, khí đốt và là tuyến vận chuyển huyết mạch của thế giới. Theo Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược Toàn cầu, một lượng hàng hóa trị giá khoảng 5.300 tỷ USD được vận chuyển qua Biển Đông/năm./.