Rio+20 hy vọng đạt được thỏa thuận bảo vệ Trái đất

14:16, 19/06/2012

Hội nghị được xem là rất quan trọng để đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế, mà không làm suy kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Khoảng 50.000 đại biểu đại diện các chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ đang đổ về Rio de Janeiro dự Hội nghị Liên Hợp quốc về Phát triển bền vững (Rio+20) diễn ra từ ngày 20-22/6 tới.

 

Mặc dù Hội nghị Rio+20 lần này lớn hơn Hội nghị Thượng đỉnh có cùng chủ đề năm 1992 xét về số người tham dự và quy mô, song tham vọng tại Hội nghị không lớn vì thế giới đang phải phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế.

 

Theo Liên Hợp Quốc, Hội nghị sẽ tập trung vào các lĩnh vực cần ưu tiên chú ý là: năng lượng, thành phố bền vững, an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững, nước và đại dương.

 

Với dân số thế giới dự báo bùng nổ từ 7 tỷ người hiện nay lên 9 tỷ người vào năm 2050, kết quả của Hội nghị được xem là rất quan trọng để đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế, mà không làm suy kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn ngày một khan hiếm và hủy hoại môi trường.

 

Tuy nhiên, bài toán làm thế nào để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà không gây hại cho môi trường vẫn đang chia rẽ các nhà lãnh đạo cùng giới chuyên gia.

 

Mới đây, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc ra báo cáo cho biết, tămg trưởng dân số, đô thị hóa, tiêu thụ đang gây những tác hại không thể đảo ngược cho hành tinh. Các nhà môi trường lo ngại, bối cảnh kinh tế khó khăn có thể sẽ là cái cớ để các nước giàu không giữ các cam kết.

 

Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Angel Gurria phát đi thông điệp: “Không thể hy sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế”.

 

Tổng thư ký Angel Gurria nói: “Chúng ta không nên để cuộc khủng hoảng kinh tế làm sao lãng khỏi mục tiêu rất quan trọng về trung và dài hạn. Đó là làm cho tăng trưởng phải bền vững, tăng trưởng xanh phải bền vững”.

 

Bộ trưởng Môi trường Brazil Izabella Teixeira cho rằng: “Chúng ta cần dũng cảm tìm kiếm con đường mới cho sản xuất  và tiêu dùng bền vững cũng như gây tác động để thay đổi hành vi, sự lựa chọn của người dân. Chúng ta hãy tự đặt câu hỏi làm thế nào để mỗi người có cách tiêu dùng và bảo vệ môi trường tốt hơn”./.