Vụ thảm sát này đã khiến ít nhất 86 người người thiệt mạng.
Ít nhất 86 người, trong đó có một nửa là phụ nữ và trẻ em đã bị giết tại hai ngôi làng ở tỉnh Hama của Syria. Các nhà hoạt động gọi đây là một vụ thảm sát do lực lượng ủng hộ chính phủ gây ra.
Nếu thông tin này được xác nhận, đây sẽ là vụ thảm sát thứ hai sau vụ thảm sát ở Houla gần hai tuần trước làm hơn 100 người thiệt mạng.
Theo BBC ngày 7/6, người dân đã tìm thấy hơn 20 trẻ em và 20 phụ nữ trong số người chết ở hai ngôi làng Qubair và Maarzaf. CNN dẫn lời các nhà hoạt động đối lập Syria nói nhiều thi thể bị đốt cháy.
Các nhân chứng quy trách nhiệm vụ việc cho lực lượng dân quân ủng hộ Chính phủ, trong khi Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad cáo buộc “các nhóm vũ trang” đã gây ra vụ này hòng tìm kiếm sự can thiệp quân sự của nước ngoài.
Theo báo cáo của các nhóm hoạt động tại Syria, tối 6/6, làng Qubair và Maarzaf (nằm cách thành phố Hama khoảng 20km về phía Tây Bắc) đã bị lực lượng an ninh, dưới sự hỗ trợ của xe tăng, bắn phá nặng nề.
Tuy nhiên, các nhóm hoạt động cũng cho biết, hầu hết các vụ giết chóc ở Qubair là do các nhóm dân quân ủng hộ Chính phủ được gọi là "shabiha" thực hiện. Các nhóm này đến từ những làng ủng hộ chính phủ gần đó.
Họ nói “shabiha” đã bắn ở cự ly gần hoặc đâm người dân, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ nhỏ chưa tới 2 tuổi. Một số thi thể sau đó được tìm thấy bị đốt bên trong những ngôi nhà bị châm lửa, số khác bị “shabiha” đưa đi.
Một nhà hoạt động ở Hama cho hãng tin BBC biết: “Họ hành quyết gần như từng người trong làng. Rất ít người có thể chạy trốn. Đa số dân làng bị giết bằng dao rất dã man”.
Trong khi đó, một nhà hoạt động khác nói riêng tại Qubair là có tới 78 người bị giết, trong đó có 35 người trong cùng một gia đình.
Trước đó vào ngày 25 và 26/5, hơn 100 người được tìm thấy bị giết chết tại thị trấn Houla, trong đó có hơn 30 trẻ em dưới 10 tuổi. Cộng đồng quốc tế đã lên án dữ dội vụ thảm sát này.
Trong khi tình hình tại Syria ngày càng trở nên phức tạp thì Trung Quốc và Nga ngày 6/6 đã kiên quyết phản đối sự can thiệp quân sự từ bên ngoài và áp đặt một chính sách (kể cả trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc) nhằm thay đổi chế độ tại quốc gia Trung Đông này.
Trong Tuyên bố chung đưa ra trong khuôn khổ chuyến công du Trung Quốc ba ngày của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an này nhấn mạnh các diễn biến tại Syria có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình và ổn định của Trung Đông và toàn thế giới và cuộc khủng hoảng tại đây cần được tháo ngòi thông qua đối thoại chính trị giữa các bên xung đột.
Hai nước cũng thúc giục cộng đồng quốc tế ủng hộ kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên chung Annan.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã khẳng định, việc đáp ứng những lời kêu gọi thay đổi chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ gây ra thảm họa lớn.
Phát biểu trước báo giới tại Bắc Kinh, quan chức ngoại giao hàng đầu Nga nêu rõ các nhóm đối lập bên ngoài Syria đã kêu gọi cộng đồng quốc tế dội bom vào chế độ của ông Bashar al-Assad nhằm thay đổi chế độ này và đây là điều rất nguy hiểm mà hệ lụy của nó sẽ là một thảm họa lớn cho khu vực.
Cùng ngày, Pháp đã lên tiếng phản đối việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad bổ nhiệm Bộ trưởng Nông nghiệp Riad Hijab làm Thủ tướng, đồng thời giao trọng trách cho ông này thành lập chính phủ mới.
Phát biểu tại một buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Bernard Valero cho động thái này của Syria "không đáp ứng được kỳ vọng của người dân Syria và cộng đồng quốc tế"./.