Tương lai nào cho Syria?

14:52, 17/06/2012

Kế hoạch hòa bình “gần như sụp đổ” của LHQ đang gây sức ép đối với quốc tế trong việc tìm ra một giải pháp khác cho tình hình Syria.

Phái bộ giám sát của Liên Hợp Quốc tại Syria (UNSMIS) ngày 16/6 đã quyết định tạm ngừng các hoạt động giám sát do tình trạng bạo lực tiếp tục leo thang dữ dội trên toàn lãnh thổ nước này trong 10 ngày qua. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy, kế hoạch hòa bình của Liên Hợp Quốc có nguy cơ thất bại, bất chấp những nỗ lực ngoại giao kéo dài nhiều tháng qua để giúp Syria tránh rơi vào một cuộc nội chiến.

 


Trưởng phái bộ quan sát viên Liên Hợp Quốc tại Syria, tướng Robert Mood cho biết, có hai lý do để đưa ra quyết định “tạm ngừng các hoạt động giám sát” tại Syria. Thứ nhất là để đảm bảo an toàn cho các quan sát viên; Thứ hai là để phản đối việc "các bên thiếu thiện chí trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình" cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia Trung Đông này.

 

Quyết định ngừng hoạt động giám sát được đưa ra sau nhiều tuần bạo lực leo thang gây trở ngại lớn cho hoạt động của phái bộ quan sát viên. Trong khi Bộ Ngoại giao Syria ra tuyên bố nhấn mạnh, phái bộ quan sát viên Liên Hợp Quốc đưa ra quyết định này do tình trạng bạo lực leo thang tại Syria, đồng thời cáo buộc các nhóm vũ trang cản trở hoạt động của phái đoàn này. Còn lãnh đạo lực lượng đối lập tại Syria khẳng định, việc Liên Hợp Quốc dừng nhiệm vụ giám sát tại Syria cho thấy, kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab Kofi Annan đã thất bại. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên cử ngay lập tức lực lượng gìn giữ hòa bình đến Syria.

 

Một thành viên Hội đồng Dân tộc Syria Ba-sam Imadi cho rằng: “Phái bộ giám sát của Liên Hợp Quốc đã có quyết định đúng. Đây là thời điểm quan trọng để thông báo rằng nhiệm vụ của họ đã thất bại. Thậm chí toàn bộ sáng kiến của ông Annan đã thất bại. Mặc dù rất đáng tiếc, nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng, về khía cạnh nào đó, sự có mặt của các quan sát viên không có ảnh hưởng gì tại Syria”.

 

Hội đồng Dân tộc Syria cũng cho biết, sau hai ngày đối thoại tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), các lãnh đạo lực lượng đối lập đã nhất trí thành lập Ủy ban trù bị để đưa ra một mặt trận thống nhất và đoàn kết giữa các lực lượng đối lập tại Syria.

 

Trong lúc này, Hà Lan, Australia, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh vẫn lo ngại về việc phái bộ Liên Hợp Quốc ngừng các các hoạt động giám sát tại Syria.

 

Ngoại trưởng Anh William Hague cho rằng, quyết định của Liên Hợp Quốc cho thấy, tình hình an ninh bất ổn nghiêm trọng tại Syria, đồng thời đặt ra một câu hỏi lớn đối với toàn bộ kế hoạch hòa bình của Liên Hợp Quốc.

 

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu thì hối thúc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra các biện pháp mới để ngừng thảm kịch tại Syria: “Ngay sau khi các quan sát viên rút đi, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc phải ngay lập tức xem xét vấn đề này, không cho phép thảm kịch tại Syria tái diễn và đưa ra các biện pháp mới. Chúng tôi cũng rất lo lắng về dòng người tị nạn tiếp tục đổ sang Thổ Nhĩ Kỳ”.

 

Kế hoạch hòa bình “gần như sụp đổ” của Liên Hợp Quốc đang gây sức ép đối với cộng đồng quốc tế trong việc tìm ra một giải pháp khác cho tình hình tại Syria. Phía Mỹ cho biết, họ đang thảo luận với các đồng minh về kế hoạch “chuyển giao chính trị”  tại Syria. Giới quan sát cho rằng, Mỹ cũng đang thúc đẩy một nghị quyết mới để tiến hành bỏ phiếu theo một kịch bản tương tự như đã diễn ra tại Libya. Tuy nhiên, kịch bản ấy khó có thể trở thành hiện thực khi không nhận được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc.

 

Trong khi một giải pháp hữu hiệu cho Syria vẫn chưa được tìm ra, thì sức ép ngày một gia tăng đối với Syria đang ảnh hưởng trực tiếp tới người dân nơi đây. Nếu không sớm có giải pháp hữu hiệu và cân bằng, cuộc xung đột tại Syria có nguy cơ biến thành một cuộc nội chiến toàn diện, thổi bùng thời kì bất ổn mới tại khu vực Trung Đông./.