Cuối cùng, sau gần 2 tuần đàm phán, Tây Ban Nha tạm thời có thể thở phào khi được vay với lãi suất thấp một khoản vay ngắn hạn trị giá 3,56 tỷ Euro, vượt ra ngoài sự trông đợi của nước này.
Theo thông báo của Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha, ông Luis de Guindos, sáng ngày 18/7, Tây Ban Nha đã được chấp thuận một khoản vay ngắn hạn trị giá 3,56 tỷ Euro.
Điều đáng nói, khoản vay này đã vượt ngoài mong đợi ban đầu của Tây Ban Nha cả về số lượng và tỷ lệ lãi suất, khi ban đầu nước này dự kiến chỉ vay được từ 2,5 - 3,5 tỷ Euro cho khoản vay trong kỳ hạn ngắn. Lãi suất áp dụng cho khoản vay ngắn hạn cũng được nhượng bộ nhiều so với lãi suất đưa ra vào ngày 19/6 vừa qua. Theo đó, Ngân hàng Tây Ban Nha cho biết, lãi suất cho khoản vay kỳ hạn 12 tháng sẽ là 3,918% (thay vì 5,074%) và cho kỳ hạn 18 tháng là 4,242% (thay vì 5,107%).
Trước đó, các Bộ trưởng Tài chính Eurozone đã chấp nhận yêu cầu của Tây Ban Nha xin trợ giúp các ngân hàng trong nước. Theo đó, một thỏa thuận liên quan có thể được ký vào ngày 20/7 tới và khoản tiền hứa hẹn trị giá 30 tỷ euro đầu tiên sẽ được giải ngân (cho Tây Ban Nha) vào cuối tháng này. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng sẽ cho Madrid thêm 1 năm để ổn định nền tài chính và đưa thâm hụt ngân sách xuống dưới mức trần 3% GDP theo quy định của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2014.
Phát biểu tại một diễn đàn ngân hàng ở Madrid ngày 16/7, ông Luis de Guindos cũng bày tỏ hy vọng Tây Ban Nha có thể chính thức ký kết Bản ghi nhớ với các nhà lãnh đạo Khu vực đồng euro (Eurozone), để có thể bơm tối đa 100 tỷ Euro (122 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng đang điêu đứng của Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là liệu khoản vay này có thể cứu vãn nền kinh tế và hệ thống ngân hàng đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng của Tây Ban Nha hay không khi “mặt sau của tấm huy chương” là những vấn đề mà nước này sẽ phải đối mặt về lâu về dài.
Để đổi lại khoản cứu trợ cho nền kinh tế và hệ thống ngân hàng của mình, Chính phủ Tây Ban Nha đã phải tuyên bố áp dụng thêm một kế hoạch thắt lưng buộc bụng mới trị giá 65 tỷ Euro. Đồng thời, Tây Ban Nha đã cam kết thực hiện một loạt cải cách trong lĩnh vực ngân hàng và chịu sự giám sát của EU trong quá trình tái cấu trúc.
Trong khi đó, thực trạng của nền kinh tế Tây Ban Nha lại không mấy khả quan. Kinh tế Tây Ban Nha đang chìm sâu vào suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp lên tới trên 24%. Tỷ lệ nợ nước ngoài của Tây Ban Nha đã lên tới hơn 90% tổng thu nhập quốc dân (GDP) của nước này.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự đoán về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Tây Ban Nha. Theo đó, nền kinh tế này sẽ suy giảm 1,5% trong năm 2012 và tiếp tục suy giảm 0,6% trong năm 2013, so với mức dự đoán sẽ tăng trưởng nhẹ trong năm 2013 mà IMF đưa ra cách đây 3 tháng.
Nổ “bong bóng” từ các khoản cho vay đầu tư vào bất động sản đã khiến hệ thống ngân hàng của nước này rơi vào tình cảnh “sống dở chết dở”. Cuối tháng 6 vừa qua, Chính phủ Tây Ban Nha buộc phải tuyên bố các ngân hàng nước này cần 62 tỷ Euro để bù đắp thua lỗ từ những đầu tư bất động sản.
Cũng trong tháng 6, Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha cho biết các khoản tiền của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho các ngân hàng đang gặp khó khăn của nước này vay mượn đã tăng vọt 17,2% lên mức kỷ lục 337,2 tỷ Euro.
Và như một quy luật, những khó khăn về kinh tế đã nảy sinh những bất ổn về xã hội. Anh José-Maria Patino – chuyên gia kinh tế người Tây Ban Nha cho biết: “Phải như thế nào thì Tây Ban Nha mới được cung cấp tài chính? Vì hiển nhiên ngân khố của Tây Ban Nha đã bị ảnh hưởng. Do vậy, Chính phủ Tây Ban Nha sẽ phải cắt giảm các khoản phúc lợi xã hội dành cho y tế, giáo dục… Điều này không tốt khi người dân Tây Ban Nha cho rằng các khoản cứu trợ này không phải là được dành cho phúc lợi xã hội mà là dành cho giới ngân hàng của nước này”.
Thực tế, trong những ngày cuối tuần qua, tại nhiều thành phố lớn của Tây Ban Nha liên tiếp nổ ra những cuộc biểu tình phản đối chính phủ. Đồng thời, Tổng liên đoàn lao động Tây Ban Nha (UGT) và các tổ chức nghiệp đoàn cũng đã ra nhiều lời kêu gọi người lao động tiếp tục biểu tình tuần hành lớn phản đối tình trạng kinh tế và đời sống khó khăn vào ngày 19/7.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha, nền kinh tế Tây Ban Nha chưa phải đã hết hy vọng. Ông Luis de Guindos nhấn mạnh, nền kinh tế Tây Ban Nha vẫn là một nền kinh tế có tính cạnh tranh cao, còn nhiều triển vọng tăng trưởng và nước này vẫn đạt thặng dư thương mại trong quan hệ với các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)./.