Đất hiếm được sử dụng trong hàng loạt thiết bị công nghệ cao và công nghệ mới, từ máy nghe nhạc iPod cho tới tên lửa đạn đạo.
Tờ Manila Times cho biết, Trung Quốc đã bắt đầu tích trữ đất hiếm cho các kho dự trữ chiến lược. Động thái này có thể sẽ làm tăng thêm những lo ngại về sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với nguồn tài nguyên quý giá này.
Dẫn bài báo đăng trên tờ China Securities Journal hôm 5/7, báo trên cho hay, Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng các nguồn ngân sách của nhà nước để thu mua và dự trữ quặng đất hiếm cho các kho dự trữ chiến lược. Tuy nhiên, nguồn tin không nói rõ, việc này đã được thực hiện từ khi nào.
Trung Quốc hiện sản xuất hơn 90% lượng quặng đất hiếm của thế giới. Đất hiếm được sử dụng trong hàng loạt thiết bị công nghệ cao và công nghệ mới, từ máy nghe nhạc iPod cho tới tên lửa đạn đạo. Bắc Kinh đã khiến nhiều đối tác là các nước lớn nổi giận khi đặt ra hạn ngạch xuất khẩu loại tài nguyên này.
Cuối tháng trước, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản đã gây thêm áp lực với Trung Quốc về quy định hạn chế xuất khẩu đất hiếm của nước này. Nhóm quốc gia trên đã yêu cầu thành lập một ủy ban giải quyết tranh chấp ở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Dự kiến ủy ban này sẽ có một cuộc gặp đặc biệt vào ngày 10/7.
Cao ủy thương mại EU, Karel De Gucht, cho biết EU, Mỹ và Nhật Bản sẽ thực hiện bước thứ hai buộc Trung Quốc tuân thủ cam kết khi gia nhập WTO. “Trung Quốc hạn chế xuất đất hiếm và các sản phẩm khác vi phạm cam kết với WTO, ảnh hưởng đến thị trường quốc tế và đẩy các công ty của chúng tôi vào thế bất lợi”, ông nói.
Ông Gucht cho biết: "Mặc dù đầu năm nay, WTO đã đưa ra phán quyết rõ ràng nhưng Bắc Kinh vẫn không thực hiện các biện pháp để loại bỏ các hạn chế về xuất khẩu đất hiếm. Chúng tôi lấy làm tiếc là không có giải pháp nào khác ngoài việc giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp pháp lý”.
Trong khi đó, trên tờ New York Times, đại diện thương mại Mỹ Ron Kirk cũng khẳng định, “điều quan trọng là các công nhân và nhà sản xuất Mỹ được quyền tiếp cận bình đẳng và công bằng với những nguyên liệu thô như đất hiếm mà Trung Quốc đã đồng ý khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới”.
Trước đó, ngày 13/3, các nước Nhật Bản, Mỹ và EU đã kiện Trung Quốc lên WTO vì hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Bất chấp phán quyết của WTO hồi đầu năm 2012 đối với vụ tranh cãi đầu tiên về 9 loại nguyên liệu thô trong đó có đất hiếm, Trung Quốc vẫn không tìm cách dỡ bỏ các hạn chế về xuất khẩu liên quan.
Hôm 20/6 vừa qua, Trung Quốc lần đầu tiên công bố Sách Trắng về ngành công nghiệp đất hiếm của nước này, với tựa đề "Thực trạng và chính sách ngành công nghiệp đất hiếm của Trung Quốc", với mục đích giải thích về ngành công nghiệp này cũng như các chính sách liên quan do Chính phủ Trung Quốc ban hành.
Sách Trắng cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tăng cường quản lý một cách khoa học và cung cấp sản phẩm đất hiếm cho thế giới.
Do việc khai thác đất hiếm tác động tiêu cực đến môi trường, nên để kiểm soát những nguy cơ như vậy cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên không thể tái tạo này, Trung Quốc đã áp dụng hàng loạt chính sách như bảo vệ các mỏ đất hiếm, giảm hạn ngạch xuất khẩu, giới hạn chất thải và tăng thuế đối với tài nguyên này.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, chiến lược hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc làm tăng giá mặt hàng này trên toàn cầu và buộc các công ty nước ngoài phải mở cơ sở ở đây để có thể tiếp cận nguồn nguyên liệu. Ngoài ra, đất hiếm cũng là một lá bài cực mạnh để Trung Quốc có thể đàm phán tương lai với thế giới.