Việc cung cấp vũ khí cho các bên trong cuộc xung đột tại Syria được cho là đang đổ thêm dầu vào ngọn lửa bạo lực.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Navi Pillay ngày 2/7 cho rằng, chính phủ Syria và lực lượng đối lập đang nhận được nhiều vũ khí, càng khiến cho cuộc khủng hoảng kéo dài 16 tháng qua tại Syria thêm trầm trọng.
Không đề cập số lượng vũ khí đến từ đâu nhưng bà Pillay cho rằng, cả chính phủ Syria và lực lượng đối lập đang đổ thêm dầu vào ngọn lửa bạo lực. Cả hai lực lượng này đều phạm các tội ác chiến tranh.
Bà Pillay khẳng định: “Văn phòng Liên Hợp Quốc về Nhân quyền và Ủy ban Điều tra độc lập tại Syria đã có những tài liệu về việc Chính phủ Syria và lực lượng đối lập vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Chính phủ Syria đã có các cuộc tấn công vào các mục tiêu gây tổn hại đến dân thường, sử dụng các căn cứ y tế để thực hiện các hoạt động quân sự…; trong khi lực lượng đối lập sử dụng các thiết bị nổ gây thương vong cho dân thường”.
Theo bà Pillay, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần làm rõ các vi phạm nhân quyền này bằng cách đưa vấn đề cuộc xung đột tại Syria lên Tòa án Hình sự quốc tế, bởi nhiều dấu hiệu cho thấy các bên phạm các tội ác chống lại loài người và các tội ác khác.
Nhiệm vụ của phái đoán quan sát viên Liên Hợp Quốc tại Syria dự kiến hết hạn vào ngày 20/7 tới. Các nhà ngoại giao cho rằng, một trong những viễn cảnh có thể xảy ra nhất đó là sẽ giảm hoặc xóa bỏ các quan sát viên quân sự không vũ trang và chỉ giữ lại các hoạt động dân sự.
Tuy nhiên, trong một phát biểu trước báo giới tại thủ đô Damascus của Syria, người phát ngôn của Phái bộ giám sát của Liên Hợp Quốc tại Syria Sausan Ghosheh cho biết: Phái bộ giám sát của Liên Hợp Quốc tại Syria sẵn sàng nối lại hoạt động ngay sau khi các đảng phái xung đột tại quốc gia Trung Đông này nhất trí chấm dứt bạo lực.
“Phái bộ giám sát của Liên Hợp Quốc đã có mặt tại Syria, sẵn sàng hợp tác với các đảng phái và ủng hộ các đảng phái tại nước này thực hiện những bước đi cần thiết. Chúng tôi có mặt ở đây và sẵn sàng nối lại hoạt động chỉ khi các đảng phái tái cam kết chấm dứt tình trạng bạo lực, thực hiện kế hoạch 6 điểm của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc- Liên đoàn Arab Kofi Annan”, ông Sausan Ghosheh nhấn mạnh.
Người phát ngôn của Phái bộ giám sát của Liên Hợp Quốc tại Syria cũng cho biết thêm rằng, quyết định mở rộng sứ mệnh tại Syria sẽ được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiếp tục thảo luận thêm trong một vài tuần tới.
Hiện các quan sát viên của Liên Hợp Quốc vẫn đang tổ chức các chuyến thị sát tới các thành phố và trường học tại Syria để đánh giá tình hình nhân đạo tại nước này.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen kêu gọi cộng đồng quốc tế cần tăng cường một giải pháp chính trị cho Syria, đồng thời nhắc lại rằng sẽ không có bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Syria.
Ông Rasmussen hoan nghênh cuộc họp của Nhóm hành động về Syria tại Geneva (Thụy Sĩ) cuối tuần qua, đồng thời nhấn mạnh cộng đồng quốc tế phải có tránh nhiệm chấm dứt cuộc xung đột và cần hành động ngay lập tức bởi cuộc xung đột đã kéo quá dài, khiến nhiều người thiệt mạng và đẩy cả khu vực vào nguy cơ bất ổn.
Ông Rasmussen cũng nhắc lại rằng, NATO không có ý định can thiệp quân sự vào Syria và NATO cũng không đối thoại với lực lượng đối lập tại Syria. “Nhóm hành động về Syria” phía Nga và Trung Quốc khẳng định, người dân Syria cần tự quyết định về quá trình chuyển giao chứ không phải các thế lực bên ngoài quyết định số phận của họ. Tuy nhiên, các nước phương Tây cho rằng, chính phủ thống nhất mới không nên bao gồm Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh Hội nghị mở rộng về Syria vừa khai mạc tại thủ đô Cairo của Ai Cập với sự tham gia của 250 người đại diện cho các nhóm đối lập ở Syria và nhiều nhân vật hoạt động độc lập khác.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu và trợ lý của Đặc phái viên Annan, ông Nasser Al-Qudwa, cũng tới dự.
Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của Liên đoàn Arab với mục tiêu thông qua một văn kiện về tiến trình giải quyết tình hình nội bộ của Syria.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thư ký AL Nabil Elaraby kêu gọi các phe phái ở Syria vượt qua bất đồng để cùng đưa đất nước vượt qua cơn khủng hoảng.
“Các bạn cần phải biết nắm bắt cơ hội quan trọng mà hội nghị này có thể đem đến cho các bạn. Tôi xin thưa và cũng xin nhắc lại rằng đây là cơ hội mà các bạn không nên bỏ qua vì bất kỳ lý do gì”, Tổng thư ký Elaraby kêu gọi các đại biểu tham dự hội nghị.
Cũng theo người đứng đầu tổ chức lớn nhất trong khu vực Trung Đông, các phe phái ở Syria không nên tiếp tục đặt lợi ích của mình cao hơn tính mạng của người dân Syria vô tội.
Theo một số nguồn tin thân cận với hội nghị, dự thảo văn kiện của hội nghị yêu cầu Tổng thống Syria Assad phải nhanh chóng từ chức để mở đường cho việc thành lập chính phủ lâm thời với sự tham gia của đại diện các nhóm đối lập và một số thành viên của chính quyền hiện nay.
Tuy nhiên, hiện chưa biết các đại diện tham dự hội nghị có đi đến nhất trí cuối cùng về dự thảo văn kiện này không vì trước đó, nhiều nhóm đối lập ở Syria tuyên bố sẽ không tham gia bất kỳ tiến trình chuyển tiếp chính trị nào nếu như “những nhân vật của chế độ cũ” không bị loại bỏ hoàn toàn./.