Ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết S.Res 524 vào tối 2/8 tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với bản tuyên bố DOC về vấn đề Biển Đông, ngày 3/8, theo giờ Washington, Chính quyền Tổng thống Obama lần đầu tiên đã ra tuyên bố về Biển Đông.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ do Phó Phát ngôn Patrick Ventrell nêu rõ, là một quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương, Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và thương mại hợp pháp tại khu vực Biển Đông.
Mỹ không can thiệp vào việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và không có tham vọng tranh chấp lãnh thổ tại khu vực Biển Đông. Mỹ tin tưởng các quốc gia trong khu vực phối hợp chặt chẽ và sử dụng biện pháp ngoại giao để giải quyết các tranh chấp không sử dụng biện pháp ép buộc, dọa dẫm, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Mỹ quan ngại về sự gia tăng căng thẳng tại khu vực Biển Đông và đang theo dõi sát sao tình hình tại khu vực này. Những diễn biến gần đây bao gồm sử dụng lời lẽ căng thẳng, các hành động kinh tế cưỡng bức, và các sự việc xảy ra xung quanh bãi cạn Scarborough, đặc biệt việc Trung Quốc nâng cấp mức quản lý hành chính với “thành phố Tam Sa” và đặt đồn trú quân sự tại đây để quản lý khu vực Biển Đông đang tranh chấp, hành động này đã đi ngược lại với những nỗ lực ngoại giao mang tính hợp tác để giải quyết những bất đồng, đồng thời làm cho căng thẳng trong khu vực Biển Đông ngày càng gia tăng.
Mỹ thúc giục các bên cần có những bước đi làm giảm bớt các căng thẳng đó giữ đúng tinh thần của Tuyên bố về Biển Đông của ASEAN năm 1992 và Tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên tại khu vực Biển Đông DOC năm 2002. Mỹ ủng hộ các nỗ lực của ASEAN để xây dựng sự đồng thuận nhằm xử lý, kiểm soát và ngăn ngừa các tranh chấp. Mỹ khuyến khích ASEAN và Trung Quốc có những bước tiến nhằm thống nhất Bộ Quy tắc ứng xử (COC), tạo ra các quy định và nguyên tắc để giải quyết bất đồng một cách hòa bình. Mỹ ủng hộ nguyên tắc 6 điểm gần đây của ASEAN về vấn đề Biển Đông.
Mỹ thúc giục tất cả các bên hãy làm rõ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ tuân theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của LHQ.
Trước đó, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua Nghị quyết S.Res 524 tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với bản tuyên bố DOC về vấn đề Biển Đông giữa các quốc gia thuộc khối ASEAN và Trung Quốc được ký kết năm 2002.
Nghị quyết này do thượng nghị sỹ Mỹ John Kerry, Chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cùng 6 các thượng nghị sỹ Mỹ khác có ảnh hưởng khác đồng bảo trợ./.