Trong khi cuộc chiến đang đang diễn ra ác liệt và chưa có hồi kết ở Syria nhưng theo giới phân tích có 4 kịch bản có khả năng xảy ra đối với quốc gia Trung Đông này.
Chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad vẫn duy trì quyền lực ở Syria dù tình hình bạo lực leo thang và chịu nhiều chỉ trích quốc tế. Thế nhưng với sức ép ngày càng gia tăng, có thể đạt tới mức mà chính các thành viên trong bộ máy có thể tiến hành một cuộc đảo chính lật đổ ông Assad.
Theo mạng tin tình báo Stratfor, mặc dù kịch bản cho một cuộc đảo chính như vậy khó có thể diễn ra ở thời điểm hiện tại, nhưng các mối đe dọa mà Tổng thống Assad phải đối mặt từ bên trong chế độ cũng nghiêm trọng không kém so với các mối đe dọa từ lực lượng đối lập.
Mặc dù gia đình ông Assad hiện vẫn là bộ mặt của Syria và kiểm soát một số vị trí quan trọng nhất trong chính phủ, chế độ này cũng bao gồm những thành viên khác là người Alawite, người Thiên chúa giáo, Hồi giáo gốc Israel, các nhóm tôn giáo thiểu số cũng như những thành viên thuộc nhóm Hồi giáo Sunni đa số. Nhóm cầm quyền này là những lãnh đạo chính trị, quân sự và dân sự kinh nghiệm và quyền lực nhất Syria và cá nhân họ xem sự tồn tại của mình gắn với sự tồn vong của chế độ.
Tuy vậy, một cuộc đảo chính là không thể vào thời điểm hiện tại vì chế độ Syria chưa bộc lộ dấu hiệu rạn vỡ và vẫn đang duy trì một bộ máy tình báo và quân sự khá thống nhất. Tuy nhiên, trong tình huống cần thiết, Iran và Nga có thể sẽ phối hợp hành động để dựng lên một chế độ có lợi cho họ. Hai đồng minh này có thể tính đến một cuộc chuyển giao quyền lực từ Tổng thống Assad cho các thành viên quan trọng khác của chế độ, tương tự như việc chuyển giao quyền lực ở Yemen.
Trong trường hợp Tổng thống Assad bị lật đổ từ bên trong có hoặc không có sự hậu thuẫn từ bên ngoài, những nhân vật quan trọng người Hồi giáo Sunni và liên minh thiểu số của họ trong chế độ hiện tại có thể sẽ lên nắm quyền. Một chế độ mang tính đại diện và đa dạng có thể bao gồm thành viên của các nhóm đối lập nhằm xoa dịu sự phản kháng của họ trong khi vẫn duy trì một cấu trúc chế độ chung và tránh một khoảng trống quyền lực có thể dẫn tới sự bất ổn lớn hơn.
Như vậy, dù hiện nay chưa xuất hiện khả năng đảo chính từ bên trong để lật đổ Tổng thống al-Assad nhưng nếu diễn biến chiến sự bất lợi hơn, có thêm nhiều vụ đào tẩu hơn của các quan chức cao cấp và Syria phải chịu sức ép lớn hơn từ quốc tế, khả năng cho một cuộc đảo chính không phải là không có.
Trong khi cuộc chiến đang đang diễn ra ác liệt và chưa có hồi kết ở Syria nhưng theo giới phân tích có 4 kịch bản có khả năng xảy ra đối với quốc gia Trung Đông này. Thế nhưng, hầu hết các kịch bản này đều không đem lại sự ổn định cho khu vực cũng như làm hài lòng phương Tây, lực lượng đang hậu thuẫn cho một cuộc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.
Dưới đây là 4 kịch bản được dự tính.
Kịch bản thứ nhất là chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ đè bẹp quân nổi dậy. Nếu lực lượng nổi dậy không nhận được trợ giúp từ bên ngoài, trước hết phải kể đến Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ sau đó là Mỹ và các đồng minh châu Âu. Được sự hậu thuẫn về tài chính, vũ khí từ các quốc gia láng giêng cùng với những bảo trợ mạnh mẽ trên mặt trận ngoại giao từ Mỹ và phương Tây, lực lượng nổi dậy đã ngày càng mạnh hơn.
Bên cạnh đó, sự cai trị của gia đình nhà Assad cũng luôn trong thế mong manh, dựa vào một liên minh ngầm giữa những người Alawite với Thiên chúa giáo và các nhóm tôn giáo thiểu số. “Chính phủ của những người thiểu số” này phải đối mặt với nhiệm vụ vô cùng khó khăn là duy trì kiểm soát người Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số. Quyết định của Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ tài trợ và trang bị vũ khí cho những người anh em Sunni, lực lượng chủ yếu của “Quân đội Syria tự do” (FSA), có thể làm cho chế độ do người Alawite cai trị khó có thể thể trụ vững.
Kịch bản thứ hai là quân nổi dậy lật đổ Tổng thống Assad và điều hành quá trình chuyển đổi hướng đến một Syria dân chủ, đa sắc tộc, đa tôn giáo. Đây là kịch bản ưa thích nhất của Mỹ nhưng thực tế thì khó mà đạt được. Dù FSA có thể chiếm ưu thế về quân sự, ít nhất ở hầu hết các vùng lãnh thổ của Syria, để có được một hệ thống chính trị dân chủ sẽ là một chặng đường dài. Bản thân Syria không có được truyền thống dân chủ đúng nghĩa, quốc gia này lại có một nền kinh tế và một xã hội dân sự yếu kém. Điều này thực sự lo lắng vì một nền kinh tế mạnh và một xã hội dân sự đúng nghĩa là những nhân tố quan trọng cho hệ thống chính trị dân chủ và ổn định. Một bất lợi nữa là tình trạng chia rẽ tôn giáo, sắc tộc diễn ra khá sâu sắc ở Syria. Việc kết hợp tất cả những nhân tố này khó có thể đưa Syria trở thành một quốc gia dân chủ.
Kịch bản thứ ba là quân nổi dậy giành chiến thắng quyết định và lập lên một nhà nước độc đoán. Đáng lo ngại là nhân tố Hồi giáo cực đoan dường như đang giành ưu thế trong lực lượng nổi dậy và đã có dấu hiệu của sự trà trộn của các phần tử khủng bố Al Qaeda. Diến biến này không làm ai ngạc nhiên khi Saudi Arabia đóng vai trò là người bảo trợ lớn nhất cho lực lượng nổi dậy. Thậm chí nếu quân nổi dậy có thể chiếm và duy trì kiểm soát phần lớn đất nước, một Syria hậu Assad có thể giống với một quốc gia Hồi giáo độc đoán hơn là dân chủ. Thực tế mà nói, các yếu tố độc đoán thậm chí đang thắng thế trước những bè phái dân chủ thế tục ở Syria hơn so với ở Iraq, Ai Cập và Libya.
Kịch bản cuối cùng là Syria có thể bị chia rẽ thành nhiều khu vực theo sắc tộc và tôn giáo. Xét tính phức tạp về dân tộc và tôn giáo hiện nay của Syria, đây là kịch bản có khả năng xảy ra nhiều nhất. Lực lượng quân sự do người Alawite của ông Assad cho thấy đang có dấu hiệu cố gắng thiết lập một căn cứ cố thủ Alawite – Thiên Chúa giáo ở vùng phía Tây của đất nước. Nếu không có sự can thiệp với quy mô lớn hơn của Mỹ và đồng minh, liên minh này có thể có đủ sức mạnh để duy trì một vùng lãnh thổ tự trị tại đây. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dấu hiệu đầu tiên chứ không phải cuối cùng của tiến trình chia tách của Syria. Người Kurd ở Syria đã bắt đầu lập lên các điểm kiểm soát quân sự ở vùng lãnh thổ phía Đông Bắc, khu vực họ chiếm đông dân số nhất khiến cơ hội hình thành một khu tự trị người Kurd là hoàn toàn có thể.
Tất cả những kịch bản này đều tác động tiêu cực đến sự ổn định của khu vực. Syria vốn đã trở thành con tốt trong bàn cờ tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc khu vực. Việc chế độ của ông Assad tiếp tục cai trị có thể vẫn phải đối mặt với lực lượng nổi dậy do người Hồi giáo Sunni lãnh đạo và được sự hậu thuẫn của Ankara và Riyadh.
Ngược lại, một chiến thắng quyết định của người Sunni, dù có dẫn tới một Syria dân chủ hay độc đoán, cũng sẽ vấp phải các biện pháp chống phá từ Iran. Và một Syria bị chia tách sẽ là chiến trường của sự tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc này./.