Chiến lược mới của Washington

07:27, 03/08/2012

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang có chuyến công du quan trọng, từ ngày 31-7, tới 6 nước ở Châu Phi gồm: Senegal, Nam Sudan, Uganda, Kenya, Malawi và Nam Phi.

Chuyến công cán kéo dài 11 ngày với trọng tâm được loan báo là thúc đẩy dân chủ, tăng trưởng kinh tế cũng như hòa bình và an ninh khu vực. Nhưng, vượt lên tất cả, chuyến thăm đang thể hiện chiến lược mới của Washington nhằm tạo dựng một nền tảng bền vững ở Lục địa đen và không để bị chậm chân trước các đối thủ tại châu lục giàu tài nguyên này. Điều này được khẳng định khi chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra ngay sau khi Nhà Trắng công bố chiến lược mới và toàn diện với Châu Phi vào trung tuần tháng 6 vừa qua với bốn cột trụ: củng cố các định chế dân chủ; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư; thúc đẩy hòa bình và an ninh; khuyến khích phát triển. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ dường như cũng được "thúc giục" bởi "đối thủ" chính tại thị trường Châu Phi là Trung Quốc vừa tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng lần thứ năm (20-7) Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Châu Phi (FOCAC).

 

Với những chặng dừng chân nêu trên, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ làm rõ thêm quyết tâm của Tổng thống B.Obama nhằm can dự vững chắc tại Lục địa đen. Chặng dừng đầu tiên tại Senegal, Ngoại trưởng Mỹ đã nhấn mạnh các giá trị dân chủ mà quốc gia Châu Phi này đạt được và cam kết coi quốc gia này là một trong những đối tác đáng tin cậy nhất của Mỹ tại Châu Phi. Hay như chặng dừng chân ở Nam Sudan - quốc gia non trẻ nhất Châu Phi - cũng như Uganda, Kenya vấn đề được tập trung bàn thảo là những thách thức trực tiếp, cấp bách mà các quốc gia này đang đối mặt như: an ninh, dầu mỏ, dịch bệnh, tiến trình chuyển giao chính trị... rồi mới tập trung bàn về thúc đẩy các quan hệ đối tác, kinh tế - thương mại. Đây là một cách tiếp cận được cho là khôn ngoan của Washington khi xoáy vào mong muốn hiện thời của người dân trong khu vực.

 

Châu Phi gồm 54 quốc gia với tổng diện tích hơn 30 triệu kilômét vuông và hơn 800 triệu dân, có nguồn tài nguyên đa dạng, dồi dào, nhất là dầu mỏ và các kim loại quý. Tuy nhiên, chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Mỹ G.Bush do tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố với hai vũng lầy tại Iraq và Afghanistan, nên Châu Phi đã trở thành điểm đến của nhiều cường quốc mới nổi. Trung Quốc đã không bỏ lỡ cơ hội tăng cường đầu tư vào Lục địa đen nhằm tìm kiếm nguồn năng lượng mới đáp ứng "cơn khát" của nền kinh tế đang phát triển mạnh. Hàng loạt nguồn đầu tư khổng lồ đã được Trung Quốc đổ vào các nước Châu Phi. Các nhà đầu tư từ Bắc Kinh gia tăng xây dựng nhà xưởng, khai mỏ, xây dựng đường sá, đập và nhiều cơ sở hạ tầng… đã và đang tạo bước chuyển biến đáng kể cán cân thương mại giữa hai bên. Thương mại song phương Trung Quốc - Châu Phi trong năm 2011 đã đạt 120 tỷ USD. Đây thực sự là cú nhảy vọt khi cách đây 10 năm con số này mới chỉ là 20 tỷ USD. Điều này càng thôi thúc Washington quyết "trở lại" Châu Phi như thể hiện trong chiến lược mới toàn diện với Châu Phi được Tổng thống B.Obama công bố ngày 14-6 vừa qua.

 

Theo nhìn nhận của giới phân tích, Mỹ "trở lại Châu Á" là một thôi thúc chiến lược tình thế nặng về an ninh quân sự; còn "chiến lược Châu Phi mới" là một nỗ lực chủ động toàn diện của chính quyền Tổng thống B.Obama. Nó vừa phát huy quyền lực cứng, nhưng lại sử dụng tối đa quyền lực mềm. Một cách tiếp cận toàn diện địa - chính trị, kinh tế, quân sự phục vụ lợi ích toàn cầu của Mỹ trong thế kỷ XXI. Mới đây, Bộ Năng lượng Mỹ đã từng cam kết rằng, đến năm 2020, mỗi năm Mỹ sẽ nhập khẩu trên 770 triệu thùng dầu của Châu Phi. Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ còn ước tính, vào năm 2015, lượng dầu nhập khẩu từ Châu Phi sẽ chiếm 25% tổng khối lượng dầu nhập khẩu của Mỹ, so mức 15% hiện nay...

 

Chuyến công du đang diễn ra của Ngoại trưởng H.Clinton là bước hiện thực hóa chiến lược can dự toàn cầu của Mỹ nhằm tạo dựng không chỉ một nền tảng bền vững ở châu lục nhiều tiềm năng này trong tương lai mà còn góp phần giúp nước Mỹ thoát cơn khủng hoảng kinh tế hiện nay.