Kênh truyền hình danh tiếng CNN (Mỹ) đang phải đau đầu vì lượng người xem giảm xuống mức kỷ lục trong vòng 20 năm qua.
Trong quý II vừa qua, lượng khán giả theo dõi các chương trình của CNN sụt giảm, khoảng 41%, bất chấp việc ban lãnh đạo hãng tin đã thực hiện nhiều biện pháp cải tiến chất lượng. Từ 30-4-2012 đến 27-5-2012, kênh truyền hình CNN chỉ thu hút được 389.000 người xem trong giờ vàng (từ 7h tối đến 9h tối). Đây là chỉ số thấp nhất trong hai thập niên qua của CNN, kể từ tháng 10-1991. Những chương trình được đầu tư của Piers Morgan, Erin Burnett đều sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, so với CNN, kênh MSNBC có lượng người xem gần như gấp đôi: 674.000 người; Fox News lại có tận 1.692.000 người, một con số đáng mơ ước của CNN vào thời điểm này. MSNBC và Fox News là hai đối thủ cạnh tranh lâu đời của CNN.
Do đó, tuyên bố sẽ ra đi vào cuối năm nay của Chủ tịch CNN Jim Walton cho thấy hãng truyền hình từng đẻ ra hàng chục tỷ USD lợi nhuận tại bắc Mỹ đang đối mặt với những thách thức không nhỏ.
Cách đây 31 năm, CNN mở ra cuộc cách mạng trong truyền hình nhờ tìm ra phương thức truyền tin độc đáo. CNN đã trở thành kênh truyền hình đầu tiên chuyên phát tin tức, không có phim ảnh, âm nhạc, không có phóng sự dài và tạp kỹ. Với những đặc điểm độc đáo này, CNN luôn có những bản tin kịp thời nhất với những tin tức thời sự nóng bỏng nhất. Điển hình như sự kiện 11-9-2001 tại Mỹ, CNN trở thành kênh tin tức hàng đầu thế giới, bởi nó đã ghi được trực tiếp hình ảnh máy bay khủng bố đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới và hơn thế, CNN nhiều lần truyền hình trực tiếp các cuộc giao tranh và cận chiến giữa quân đội Mỹ và quân đội Iraq trong cuộc chiến tranh Iraq. Không những thế, với những vấn đề thời sự nóng bỏng, CNN luôn có những chương trình bình luận, tọa đàm sâu hơn. Vì vậy, khán giả của CNN không chỉ được nghe, xem tin tức mà còn có cơ hội hiểu kỹ hơn vấn đề qua những bình luận khác nhau thông qua các chuyên gia uy tín trong làng truyền thông thế giới. Trong vòng xoáy thời sự của một thế giới đầy biến động, CNN luôn được trang bị đầy đủ với hàng loạt các chương trình và đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp trong và ngoài "biên chế" hùng mạnh nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, theo đà phát triển, mô hình này đang trở nên lỗi thời khi các đối thủ không ngừng một mặt "học tập" CNN; mặt khác luôn tìm cách khai phá ý tưởng để cạnh tranh với CNN. Hai đối thủ tin tức truyền hình cáp ở Mỹ là Fox News và MSNBC đã đẩy CNN vào khốn đốn. Đến thời điểm này, CNN đã bị mất đi vị trí hàng đầu về truyền hình tin tức ở Mỹ cho dù vẫn giữ được vị trí đầu bảng trên thế giới. Lượng khán giả giảm, những gương mặt ưu tú nhất của CNN lần lượt ra đi. Quan trọng hơn cả, không ít chuyên gia cho rằng, kênh truyền hình CNN nói riêng và truyền hình nói chung là "nạn nhân thiệt mạng" đầu tiên trong kỷ nguyên internet. Do đó, nếu không có một bước đột phá mới mang tên "CNN.com" thì có lẽ kênh truyền hình danh tiếng này đã sập từ vài năm trước.
Những thách thức CNN đang đối mặt phần nào lý giải được nguyên nhân từ chức của Chủ tịch J.Walton - người đã gắn bó hơn nửa cuộc đời với kênh truyền hình danh tiếng này. Trong lá thư gửi cho các nhân viên của mình, ông J.Walton bày tỏ rằng "CNN cần một tư duy mới và phải bắt đầu từ một nhà lãnh đạo mới, người có thể mang lại triển vọng và những trải nghiệm khác". Dòng tâm sự ngắn ngủi này của J.Walton được cho là một dự báo cách mạng của CNN trong năm mới 2013.