Syria đang trở thành quân bài vô cùng quan trọng cho bất cứ quốc gia nào mà nước này ngả theo, trong đó có Iran.
Trong tuyên bố mới nhất, Iran khẳng định sẽ giáng trả mạnh mẽ nếu Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người láng giềng Syria. Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh Mỹ và phương Tây đang nỗ lực gây sức ép với Iran bằng các biện pháp trừng phạt mới về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Có thể nói rằng, có nhiều lý do giải thích cho việc chính quyền Tehran kiên quyết ủng hộ và sẵn sàng chiến đấu vì Syria, khi bàn cờ Trung Đông đang ngày càng rối ren và phức tạp.
Thoạt nhìn có thể thấy là, hai “đối tượng” của Mỹ và phương Tây là Iran và Syria đang cố gắng xích lại gần nhau hơn, củng cố mối quan hệ đồng minh thân thiết hơn. Một bên là Iran đang phải chịu sự cô lập và những sức ép ngày càng ngặt nghèo hơn liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Một bên là chiến trường khó lường Syria cũng đang nằm trong tầm ngắm của Mỹ và phương Tây, với mục tiêu hạ gục chính quyền của Tổng thống Bashar Al Assad.
Chừng đó dường như cũng đã đủ để hai “chiến binh Trung Đông” cùng đứng về một phía. Nhưng quan trọng hơn, hai nước còn có nhiều lợi ích chung, như cùng ở một phe trong cuộc chiến với Israel và cản đường Mỹ tiến vào Trung Đông. Đó là lý do vì sao mà Tehran và Damascus sánh vai đồng tài trợ cho nhóm vũ trang Hezbola ở Lebanon hay phe Hamas của Palestine.
Mối quan hệ thắm nồng còn thể hiện ở việc Syria cho Iran mượn đường ra Địa Trung Hải và tiếp tế cho người Hồi giáo Shia sống ở miền Nam Lebanon gần biên giới Israel. Nói cách khác là nhờ có mối quan hệ thắm thiết với Syria mà Iran củng cố được sức mạnh của mình với kẻ thù lớn nhất Israel.
Dường như, trong mối quan hệ Iran – Syria thì Iran đang được lợi nhiều hơn là những gì Syria có được từ Iran. Vì thế, không khó để nhận ra mục tiêu của Iran đằng sau những động thái gần đây của nước này đối với Syria.
Trong động thái mới nhất, Tehran khẳng định như đinh đóng cột rằng, mọi cuộc tấn công vào lãnh thổ Syria sẽ vấp phải sự giáng trả khốc liệt, và thỏa thuận phòng thủ chung Iran – Syria sẽ được kích hoạt. Đây là động thái đáp trả cho việc Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua điều xe tăng, các khẩu đội tên lửa phòng không và các loại vũ khí khác tới biên giới với Syria.
Việc kiên quyết bảo vệ Syria cũng bởi lẽ, Iran hiểu rõ được vị trí địa chính trị cực kỳ quan trọng của Syria ở Trung Đông. Syria nằm ở trung tâm khu vực Hồi giáo Arab, có chung biên giới đất liền với các nước lớn ở Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Israel, Jordan và Lebanon. Syria còn có một lực lượng quân đội mạnh và một kho vũ khí hóa học được cho là lớn nhất thế giới.
Các nhà phân tích đã khẳng định, do vị trí địa lý đặc biệt như vậy, việc thay đổi chính quyền ở Syria sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị ở nhiều nước như Iran, Lebanon hay Palestine, thậm chí là làm thay đổi cả bức tranh chính trị ở khu vực Trung Đông.
Trong tình hình hiện tại, rõ ràng, nếu Syria bị thay đổi chế độ sẽ gây tổn thất lớn cho Iran, Hezbola và do vậy làm giảm đáng kể ảnh hưởng của Iran trong trong cuộc xung đột với Israel. Rộng hơn, Iran sẽ mất đi đồng minh duy nhất trong thế giới Arab, đứng trước nguy cơ hoàn toàn cô lập. Quan trọng nữa, trong cuộc chiến giành quyền bá chủ khu vực Trung Đông với Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia, nếu không có Syria, Iran sẽ phải chịu một thất bại chiến lược khó có thể phục hồi.
Như vậy có thể thấy rằng, Syria không phải là một ứng cử viên trong cuộc đua cường quốc nắm trọng quyền của khu vực, nhưng vô tình, Syria lại đang trở thành quân bài vô cùng quan trọng cho bất cứ quốc gia nào mà nước này ngả theo, trong đó có Iran.
Trong mối quan hệ Syria- Iran, các chuyên gia khẳng định, trong tương lai gần, Syria khó có thể từ bỏ mối quan hệ với Iran. Còn Iran thì càng tuyệt đối ủng hộ và mong muốn là đồng minh thân thiết của Syria. Mặc dù lúc này, Mỹ và phương Tây đang dùng mọi cách thức có thể thiết lập trục Mỹ - Israel - Thổ Nhĩ Kỳ - Jordan vững chắc để thực hiện chiến lược tại Trung Đông.
Nhưng ở phía còn lại, Iran – Syria với sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc cũng đang nỗ lực chống lại sức ép từ Mỹ và các đồng minh, khiến cho bàn cờ Trung Đông với “kẻ cầm cờ” đều là các cường quốc, hơn lúc nào hết rất khó đoán định. Và Iran hay Syria trong bàn cờ đó vẫn sẽ tiếp tục phải loay hoay để tự tìm ra những nước cờ an toàn, tránh một kết cục buồn cho chính mình.
Trung Đông khó đoán, thời thế khó lường. Chưa biết bàn cờ chính trị Trung Đông sẽ tiếp tục diễn biến ra sao, nhưng nó đang xoay vần những mối quan hệ giữa những nước có liên quan. Và những mối quan hệ đó sẽ còn xô lệch khi thực tiễn biến đổi. Vì thế, việc Iran cố gắng siết chặt mối quan hệ đồng minh với Syria vẫn chưa hẳn là một nước cờ an toàn, điều này sẽ còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố./.
Phương Hoa/VOV1