Kế hoạch mở rộng phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Á không chỉ để ngăn ngừa Triều Tiên…
Tờ Wall Street Journal (WSJ) số ra ngày 23/8 nhận định rằng kế hoạch mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á của Mỹ chính thức là để ngăn ngừa Triều Tiên song cũng có thể là để đối chọi với sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Báo trên dẫn các nguồn quốc phòng cho biết kế hoạch này bao gồm một radar mới ở Nhật Bản và có thể một ở Đông Nam Á nhằm liên kết với các tàu phòng thủ tên lửa và hệ thống đánh chặn trên đất liền.
Hiện Mỹ dự tính điều động radar phòng thủ tên lửa X-Band đến một hòn đảo chưa rõ tên ở miền Nam nước Nhật. Giới chức quốc phòng Mỹ cho biết radar này có thể được lắp đặt chỉ trong vòng vài tháng sau khi Nhật Bản chính thức đồng ý.
Trước đó năm 2006, Mỹ đã lắp hệ thống X-Band tương tự ở tỉnh Aomori, miền Bắc Nhật Bản.
Cũng theo báo này, Mỹ đang tìm kiếm một địa điểm ở Đông Nam Á cho radar X-Band thứ ba để tạo vòng cung theo dõi tên lửa đạn đạo phóng đi từ Triều Tiên cũng như từ Trung Quốc.
Đây là một phần trong hệ thống phòng thủ, bao phủ một vùng rộng lớn ở châu Á, với việc đặt thêm trạm radar ở phía Nam Nhật Bản và có thể ở Đông Nam Á, giúp phát hiện và bắn chặn kịp thời tên lửa của đối phương được phóng đi từ đất liền hoặc từ tàu chiến.
Kế hoạch này nằm trong chiến lược phòng thủ mới do chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đề ra, theo đó tập trung chú ý tới Châu Á-Thái Bình Dương, khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế Mỹ.
Hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết nước này đang có kế hoạch điều chuyển phần lớn các chiến hạm của mình tới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020. Theo ông Panetta, tới năm 2020, khoảng 60% số tàu chiến của Mỹ sẽ được triển khai ở đây.
Việc mở rộng hệ thống phòng thủ diễn ra trong bối cảnh Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực lo ngại về nguy cơ Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân cũng như thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong các tranh chấp về chủ quyền biển đảo, như tại Biển Đông./.