Nga cho rằng giải pháp về Syria do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua làm xói mòn những nỗ lực hòa bình tại quốc gia đang chìm trong nội chiến này.
Với 133 phiếu thuận, 12 phiếu chống và 31 phiếu trắng, ngày 3/8 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết về tình hình Syria hiện nay.
Theo đó, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lên án Chính phủ Syria, đồng thời yêu cầu tất cả các bên ở nước này chấm dứt các hình thức bạo lực và khởi động một tiến trình chuyển tiếp chính trị sau 17 tháng giao tranh giữa lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad và các chiến binh đối lập.
Nghị quyết do Saudi Arabia soạn thảo bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tình trạng bạo lực leo thang ở Syria, lên án nhà chức trách Syria "sử dụng ngày càng nhiều vũ khí hạng nặng cũng như tiếp tục xâm phạm nhân quyền và các quyền tự do cơ bản một cách tràn lan, trắng trợn và có hệ thống".
Nghị quyết cũng yêu cầu Đại hội đồng "chỉ trích Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không nhất trí về các biện pháp nhằm đảm bảo nhà chức trách Syria tuân thủ các quyết định của Hội đồng Bảo an.
Ngay sau khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết lên án Chính phủ Syria, Đặc phái viên Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin đã lên tiếng chỉ trích giải pháp nói trên là phiến diện và chỉ tập trung hỗ trợ cho phe đối lập.
Nga cho rằng giải pháp về Syria do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua làm xói mòn những nỗ lực hòa bình tại đây trong bối cảnh các cuộc giao tranh vẫn ngày càng gay gắt. Ngay sau đó, Nga ra tuyên bố bày tỏ "rất lấy làm tiếc" về việc đặc phái viên hòa bình của LHQ và Liên đoàn Arab (AL) về Kofi Annan thông báo từ chức đồng thời nhấn mạnh các cường quốc cần nhanh chóng tìm người thay thế ông Annan.
Trong khi đó, Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Vương Dân cũng cho rằng, việc gây sức ép lên một bên sẽ không góp phần giải quyết vấn đề ở Syria mà chỉ làm chệch hướng về một giải pháp chính trị cho vấn đề này, khiến tình hình thêm bất ổn và làm cuộc khủng hoảng lan rộng ra những nước khác trong khu vực, từ đó phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực.
Phát biểu sau khi bỏ phiếu chống đối với nghị quyết, ông Vương Dân nói thêm rằng "Trung Quốc phản đối và lên án mọi hình thức khủng bố và bạo lực nhằm vào dân thường vô tội. Chúng tôi hối thúc tất cả các bên liên quan ở Syria chấm dứt bạo lực ngay lập tức và hoàn toàn, đồng thời tạo điều kiện để tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này".
Ngoài Nga, Trung, các nước bỏ phiếu chống bao gồm: Syria, Cuba, Iran, Triều Tiên, Belarus, Bolivia, Nicaragua, Burma, Zimbabwe và Venezuela. Trong số những nước bỏ phiếu trắng có Ấn Độ và Pakistan.
Trong khi đó, tại Syria, lực lượng chính phủ với sự yểm trợ của xe tăng vừa mở một đợt tấn công mới vào Damascus trong khi chiến sự vẫn tiếp diễn tại thành phố Aleppo lớn nhất Syria.
Đài phát thanh thân Chính phủ Sham FM ngày 3/8 đưa tin quân đội Syria đã tiến hành một chiến dịch quy mô tại tỉnh Homs ở miền trung nước này tiêu diệt 40 tay súng chống đối. Chiến dịch này triển khai ở quận al-Hamidieh và quân chính phủ đang tiếp tục truy quét các nhóm vũ trang.
Hãng Thông tấn Quốc gia Syria SANA cùng ngày cho biết, quân đội nước này đã phục kích các nhóm vũ trang ở gần tỉnh Aleppo và gây thương vong lớn cho quân chống đối.
Các nhà hoạt động cho biết hơn 20.000 người đã thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng kéo dài 17 tháng qua tại Syria.
Theo các hãng tin Nga dẫn lời từ quân đội ngày 3/8, ba chiếc tàu chiến lớn của Nga mang theo hàng trăm binh sĩ sẽ cập cảng Tartus của Syria trong những ngày tới.
Một nguồn tin quốc phòng giấu tên cho biết mỗi chiếc tàu sẽ chở theo 120 binh lính và sẽ ở lại cảng trên trong vài ngày. Các tàu chiến sẽ bổ sung thực phẩm và nước ngọt./.