Nhật Bản tuyên bố sẽ yêu cầu Hàn Quốc ra tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp chuỗi đảo ở biển Nhật Bản.
"Nhằm giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh, công bằng và hòa bình, chúng tôi sẽ đề nghị đưa vấn đề này lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ)", AFP dẫn lời chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura nói trong một cuộc họp báo hôm qua. "Nếu Hàn Quốc tin rằng tuyên bố chủ quyền của họ với Takeshima là chính đáng, chúng tôi thực sự hy vọng rằng họ sẽ chấp thuận đề nghị của chính phủ chúng tôi".
Nhóm đảo tranh chấp được gọi là Dokdo theo tiếng Hàn và Takeshima theo tiếng Nhật, hiện do Seoul quản lý. Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba hồi đầu tuần cũng đã chuyển đề xuất này đến đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản Shin Kak-Soo trong một cuộc gặp ở Tokyo.
Tuy nhiên, Nhật Bản có thể sẽ rất khó để đưa cuộc tranh chấp này lên ICJ, cơ chế yêu cầu có sự đồng thuận giữa các bên tranh chấp. Tòa án có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, là cơ quan tư pháp chính của Liên Hợp Quốc.
Tại Seoul, một quan chức chính phủ cấp cao ngay lập tức lên án đề nghị này. "Chúng tôi sẽ không đồng ý đưa những gì thuộc về chúng tôi ra phân tranh ở tòa án quốc tế", ông nói. Hàn Quốc từng bác bỏ đề nghị tương tự của Nhật Bản hồi năm 1954 và 1962.
Đây là lần đầu tiên Tokyo yêu cầu Seoul ra ICJ sau 50 năm và kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1965, hai thập kỷ sau khi Nhật Bản đầu hàng cuối Thế chiến II, chấm dứt 35 năm đô hộ trên bán đảo Triều Tiên.
Đây là diễn biến mới nhất trong tranh chấp chủ quyền Dokdo/Takeshima giữa hai nước gần đây. Đỉnh cao căng thẳng là khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đến thăm nhóm đảo tranh chấp hôm 10/8. Những bình luận của ông hồi đầu tuần rằng hoàng đế Akihito phải xin lỗi vì đã khiêu chiến trong quá khứ nếu ông còn muốn sang thăm Hàn Quốc, tiếp tục khiến Nhật Bản nổi giận.
Như một phần trong cuộc phản đối lại chuyến thăm của ông Lee, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi tuyên bố hủy kế hoạch sang Hàn Quốc và đề nghị xem xét lại thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương.
"Rất khó để tách biệt vấn đề kinh tế và tranh cãi chính trị", ông Azumi nói. "Tôi cảm thấy thời điểm này sang thăm Hàn Quốc là không thích hợp".
Theo thỏa thuận hiện tại, quy mô hoán đổi tiền tệ giữa hai nước lên đến 70 tỷ USD, một phương sách nhằm ngăn chặn khủng hoảng tài chính. Ông Azumi cho biết "mọi phương án" cần được cân nhắc để đi đến quyết định liệu có mở rộng cấp độ của thỏa thuận hoán đổi này hay không.