Thế giới tiếp tục chia rẽ trong việc giải quyết vấn đề Syria

16:13, 13/08/2012

Bạo lực chưa có dấu hiệu sớm kết thúc khiến dư luận tiếp tục quan ngại sâu sắc về tình trạng đổ máu tại Syria. 

Giao tranh ác liệt vẫn tiếp tục nổ ra tại nhiều khu vực khác nhau trên toàn đất nước Syria  khiến hàng chục người thiệt mạng và bị thương mỗi ngày. Trong khi đó, những nỗ lực của cộng đồng quốc tế tìm giải pháp thoả đáng cho cuộc khủng hoảng vẫn chưa mang lại kết quả.

 

Theo thống kê của các nguồn tin khác nhau, ít nhất 87 người chết cùng hàng chục người khác bị thương trong các cuộc giao tranh ngày 12/8 giữa quân đội Syria và lực lượng nổi dậy trên toàn lãnh thổ Syria, đặc biệt là khu vực thủ đô Damascus, các thành phố Homs và Aleppo. Xe tăng, pháo hạng nặng và nhiều loại vũ khí hạng nặng khác đã được sử dụng trong các cuộc giao tranh này, một biểu hiện rõ nét về mức độ ác liệt của cuộc chiến mà người ta chưa thể đoán định kết cục.

 

Nhiều nguồn tin khu vực và Syria cho biết, trong 48 giờ qua, quân đội Chính phủ Syria đã giành được những lợi thế lớn trong các cuộc tấn công chống quân nổi dậy, trong đó có việc đánh bật phiến quân ra khỏi nhiều khu vực trọng yếu ở Aleppo và Damascus. Tuy nhiên, cho đến sáng 13/8, người ta vẫn nghe thấy tiếng súng và nhìn thấy những cột khói bốc lên từ nhiều vị trí ở cả Aleppo và Damascus. Cùng lúc, quân nổi dậy tuyên bố đang tập hợp lực lượng để mở cuộc phản công quy mô lớn nhằm chiếm lại toàn bộ Aleppo.

 

 

Một chỉ huy thuộc lực lượng nổi dậy khẳng định:“Chiến dịch này nhằm vào những người trung thành với ông Assad và lực lượng Chính phủ tại khu vực đài truyền hình. Chúng tôi đang tấn công và quyết tâm giải phóng khu vực này vì nó vốn thuộc về chúng tôi”.

 

Giao tranh sẽ còn tiếp tục nổ ra và kết cục có thể nhìn thấy trước của nó sẽ là những con số thương vong mới. Số người Syria chạy tỵ nạn sang các nước láng giềng theo đó cũng sẽ tăng lên và chắc chắn không dừng ở con số 150.000 người như hiện nay.

 

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục tỏ ra bế tắc và chia rẽ trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột. Từ thủ đô Cairo của Ai Cập, Liên đoàn các quốc gia Arab thông báo hoãn lại cuộc họp bất thường các Ngoại trưởng Arab bàn về cuộc xung đột Syria dự kiến diễn ra trong ngày 12/8 tại Saudi Arabia, mà không đưa ra lý do cũng như thời gian sẽ tổ chức cuộc họp.

 

Theo các nguồn tin ngoại giao, cuộc họp không thể diễn ra theo dự kiến do các bên chưa thống nhất được một kế hoạch hành động cụ thể nhằm chấm dứt bạo lực.

 

Còn nhà phân tích chính trị người Ai Cập Abdulah Mansua thì cho rằng, việc không thể tổ chức cuộc họp các Ngoại trưởng Arab theo kế hoạch là một minh chứng cho sự lúng túng của thế giới Arab nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung trong việc tiến tới giải pháp chấm dứt đổ máu tại Syria, bởi lẽ, cuộc họp được kỳ vọng có thể thúc đẩy việc xác định người thay thế đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab về Syria Kofi Annan - người sẽ kết thúc sứ mệnh cuối tháng 8 này. 

 

Còn tại Thổ Nhỹ Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ Clinton và người đồng cấp Thổ Nhỹ Kỳ Ahmet Davutoglu vừa tiến hành cuộc thảo luận về Syria, trong đó tập trung vào kế hoạch thiết lập vùng cấm bay tại Syria, một bước đi được coi là sự bắt đầu các biện pháp can thiệp từ bên ngoài vào quốc gia Trung Đông. Ngay lập tức, động thái này vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Iran, quốc gia Hồi giáo luôn kiên định lập trường phản đối mọi sự can thiệp từ bên ngoài vào Syria.

 

Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi nêu rõ:“Người Syria đang tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng mà không cần đến sự can dự từ bên ngoài. Iran không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào cuộc khủng hoảng Syria, bao gồm cả vấn đề thiết lập vùng cấm bay”.

 

Theo giới phân tích, bất đồng trong cách tiếp cận vấn đề Syria giữa những nước có ảnh hưởng lớn đối với quốc gia Trung Đông này - điển hình là Mỹ và Iran đang là một trong những rào cản lớn nhất cho các nỗ lực tìm lối thoát cho cuộc xung đột. Bạo lực chưa có dấu hiệu sớm kết thúc khiến dư luận tiếp tục quan ngại sâu sắc về tình trạng đổ máu tại Syria./.