Hàng nghìn người dân ở Pakistan, Đức, Lebanon đã đổ xuống đường biểu tình chống Mỹ và lên án bộ phim bị coi là phỉ báng đạo Hồi.
Bất chấp đã có những phát biểu của các nhà lãnh đạo với phụ đề tiếng địa phương được chiếu trên kênh truyền hình Pakistan, lên án bộ phim bị coi là phỉ báng đạo Hồi, làn sóng biểu tình chống Mỹ vẫn không hề thuyên giảm trên toàn thế giới. Biểu tình vẫn tiếp diễn tại Pakistan, Đức và Lebanon trong ngày 22/9.
Hàng trăm sinh viên tại trường nữ sinh Jamia Hafsa đã tập trung tại Nhà thờ Hồi giáo Red ở thủ đô Islamabad của Pakistan, để phản đối bộ phim do Mỹ sản xuất với nội dung bôi nhọ nhà tiên tri Mohammed.
Giáo viên Hamna Abdullah nói: “Chúng tôi luôn tức giận trước những yếu tố nước ngoài gây bất ổn tại đất nước của chúng tôi. Do đó, chúng tôi phải có giải pháp cho vấn đề này. Nếu hành động của chúng tôi gây tổn thương cho người dân trong nước thì các nước khác không phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi muốn phản đối những yếu tố nước ngoài này”.
Biểu tình cũng nổ ra tại thành phố càng Karachi của Pakistan, với sự tham gia của hàng chục người Thiên chúa giáo bất bình với bộ phim này.
Trước đó, trong Ngày cầu nguyện Thứ Sáu (21/8), tại Karachi, biểu tình biến thành bạo lực đã cướp đi sinh mạng của 10 người, trong đó có 3 cảnh sát và làm khoảng 100 người khác bị thương. Trên cả nước Pakistan, trong Ngày cầu nguyện Thứ Sáu, đã có 15 người thiệt mạng do đám đông biểu tình trở nên quá khích.
Tại Đức, hơn 1.000 người đã tổ chức biểu tình hòa bình để phản đối bộ phim này vẫn được phép tồn tại trên mạng internet ở Đức. Người biểu tình tập trung tại thành phố Dortmund, phía Tây nước Đức với những khẩu ngữ: “Chúng tôi yêu mến nhà tiên tri của mình”, “Chúng tôi có lòng khoan dung”… Những người biểu tình tại Dortmund kêu gọi sự tôn trọng và chấm dứt bạo lực đi kèm với làn sóng chống Mỹ đang lan rộng khắp thế giới Hồi giáo.
Một người biểu tình nói: “Chúng tôi chọn biểu tình vì hòa bình. Điều này rất quan trọng kể từ khi làn sóng bạo lực lan rộng. Chúng tôi muốn thế giới có cái nhìn đúng đắn về đạo Hồi và người Hồi giáo. Chúng tôi mong muốn hòa bình.Những diễn biến bạo lực tại Pakistan thật tồi tệ. Chúng tôi phản đối bạo lực, đó là những hành động sai trái”.
Trước sự phản đối của cộng động người Hồi giáo tại Đức, tờ báo Bild hôm qua dẫn lời Bộ trưởng Bộ Phát triển Đức Niebel cho biết, ông ủng hộ việc cấm bộ phim này phát tán trên mạng internet tại Đức.
Ông Niebel cũng kêu gọi cộng đồng người Hồi giáo tại Đức không có những hành động quá khích trong thời điểm hiện nay.
Cùng ngày, tại thị trấn Bint Jbeil, miền Nam Lebanon, hàng nghìn người Hồi giáo Shiite ủng hộ Hezbollah cũng xuống đường tham gia làn sóng chống Mỹ, theo kêu gọi của lãnh đạo Hezbollah.
Sau hơn 2 tuần xuất hiện, bộ phim dài 13 phút có tiêu đề "Phiên tòa xét xử Mohammed", do một người Mỹ sản xuất, nói về mối quan hệ của đấng tiên tri Mohammed với nhiều phụ nữ, tiếp tục gây nên làn sóng phẫn nộ với cộng đồng người Hồi giáo trên khắp thế giới.
Đại sứ quán Mỹ tại Islamabad đã sản xuất một bộ phim ngắn và chiếu trên kênh truyền hình Pakistan, với phát biểu của Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, có phụ đề tiếng địa phương, lên án bộ phim bị coi là phỉ báng đạo Hồi. Song hành động này không thể xoa dịu cơn giận dữ. Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây và các nhà chính trị đạo Hồi đã lên tiếng kêu gọi sự kiềm chế, khoan dung, đồng thời lên án hành động bạo lực phản đối bộ phim này./.