Ngày 12-9, Tòa án Hiến pháp Đức tuyên bố bác đề xuất về phản đối Cơ chế ổn định Châu Âu (ESM) do các đảng cánh tả, Liên minh Xã hội dân chủ và nhiều giáo sư kinh tế, luật đệ trình. Quyết định này ngay lập tức khiến thị trường chứng khoán khu vực có một phiên giao dịch "dễ thở" sau hơn một tuần lễ "thấp thỏm", bởi lẽ các nền kinh tế ở Cựu lục địa có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn nếu Tòa án Hiến pháp Đức chấp nhận đề nghị của phe đối lập Đức.
Trong một thông báo của Tòa án Hiến pháp Đức, điều kiện để "bật đèn xanh" cho ESM là bất kỳ khoản đóng góp nào của nước Đức - đầu tàu kinh tế Châu Âu cho ESM vượt quá 190 tỷ euro (244 tỷ USD) đều phải được trình lên Hạ viện xem xét. Đồng thời, các phán quyết về ESM còn phải đệ trình lên Thượng viện và được cả hai viện này thông qua. Đây được cho là yếu tố giúp Berlin duy trì được tình trạng tự chủ về tài chính.
Theo các thỏa thuận đạt được từ Hội nghị Thượng đỉnh EU cuối năm ngoái, cơ chế giải cứu mới ESM đã phải đưa vào thực thi song hành với Quỹ Bình ổn tài chính khu vực (EFSF) từ đầu tháng 7 vừa qua với mục đích dựng lên "bức tường lửa" trị giá 700 tỷ euro (896 tỷ USD) để ngăn chặn khủng hoảng nợ công lan rộng trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Tuy nhiên, việc ra đời của ESM lại vấp phải làn sóng phản đối kịch liệt từ Đức vì cho rằng công cụ này không phù hợp với Luật cơ bản vì chúng buộc Đức phải từ bỏ quyền tự quyết về ngân sách. Hơn nữa, nếu tham gia ESM, tài chính công của Đức sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Những người phản đối từ Berlin cho rằng, Đức không nên chấp nhận bất kỳ cam kết tài chính nào từ hành vi thiếu trách nhiệm của các nước khác. Đây chính là lý do ESM được cho là quả bom nổ chậm trên chính trường Đức trong quá trình tồn tại của nó.
Cùng với việc Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) tung ra động thái được ví như "vũ khí hạng nặng" để cứu Eurozone là mua lại không giới hạn các khoản nợ công của một số nước đang gặp nhiều khó khăn tài chính như Tây Ban Nha, Italia, thì quyết định của Tòa án Hiến pháp Đức về ESM đã phần nào giải tỏa tâm lý nặng nề của các nhà đầu tư. Toàn cảnh thị trường Châu Âu đã sáng sủa hơn so với phiên giao dịch trước. Ngay khi mở cửa, chỉ số DAX trên thị trường chứng khoán Frankfurt (Đức) đã tăng 67 điểm (tương đương 0,52%), chỉ số FTSE 100 của London (Anh) cũng tăng 0,32%. Màu xanh cũng bao phủ hầu hết các thị trường chứng khoán ở nhiều quốc gia khác thuộc Châu Âu. Trạng thái hưng phấn còn lan sang cả thị trường Châu Á và trung tâm tài chính phố Wall (Mỹ). Đồng euro đã bật lên 0,26% so với USD. Vàng, dầu đồng loạt tăng nhẹ.
Nhưng, nhiều chuyên gia phân tích kinh tế vẫn chưa hết nghi ngờ và cho rằng tâm lý tích cực trên thị trường sẽ không thể kéo dài. Nhất là khi Đức - nền kinh tế đầu tàu Châu Âu và là quốc gia đóng góp tới 27% cho ESM đang có những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Các số liệu mới được công bố cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức trong quý II-2012 vẫn tăng so với quý trước đó nhưng chỉ với mức khiêm tốn 0,3%. Mặc dù, đây vẫn được cho là con số khá lý tưởng nếu so với quốc gia láng giềng Pháp (0%) và Tây Ban Nha (-0,4%), Italia (-0,7%). Tuy nhiên, dư luận cho rằng Đức khó có thể duy trì sức lực để có thể kéo các nền kinh tế yếu kém khác ra khỏi "vũng lầy" nợ nần trong một thời gian dài. Nhất là khi có nhiều dự đoán cho rằng nước Đức sẽ sớm rơi vào tình trạng suy thoái trong năm 2013. Điều khiến các nhà kinh tế lo ngại nhất là sự sụt giảm về đầu tư vốn. Nếu các công ty không sẵn sàng "dốc túi" để tạo ra những khả năng sản xuất mới, niềm hy vọng về một sự hồi phục - không chỉ ở Đức - được thúc đẩy từ bên trong sẽ tiêu tan.