Tuyên bố được các nước thông qua tại phiên họp, khẳng định nguyên tắc đảm bảo bình đẳng chủ quyền của tất cả các quốc gia.
Các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết đảm bảo nguyên tắc pháp quyền, coi đây là một yếu tố cơ bản để ngăn ngừa chiến tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Cam kết trên được đưa ra tại cuộc họp thượng đỉnh về pháp quyền diễn ra ngày 24/9 trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 67 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Trong bài phát biểu khai mạc phiên họp, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi các nước thành viên áp dụng pháp quyền một cách bình đẳng ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế, đồng thời phát huy những tiêu chuẩn pháp quyền cao nhất trong quá trình ra quyết định.
Ông nhấn mạnh: “Tôi hy vọng chúng ta sẽ xây dựng được một cách tiếp cận mới và chặt chẽ trong việc tăng cường pháp quyền và thực thi công lý để qua đó có thể đảm bảo hòa bình, phát triển và quyền con người. Củng cố pháp quyền mang lại lợi ích cho từng quốc gia và từng cá nhân”.
Theo Tổng Thư ký Ban Ki-moon, trong lĩnh vực pháp quyền ở cấp độ quốc tế, các quốc gia cần tuân thủ phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), cơ quan tư pháp được Liên Hợp Quốc thành lập năm 1945 nhằm giải quyết tranh chấp pháp lý giữa các nước thành viên.
Về vấn đề này, Chủ tịch ICJ, Peter Tomka nhấn mạnh: “Giải quyết tranh chấp tại Tòa án Công lý Quốc tế thường góp phần làm giảm căng thẳng giữa các nước, nhất là trong những trường hợp tranh chấp về chủ quyền hoặc các vùng biển”.
Ông Tomka cho biết, hiện chỉ có 1/3 trong tổng số 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc, trong đó cũng chỉ duy nhất một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, tuân thủ phán quyết bắt buộc của ICJ.
Trong tuyên bố được thông qua tại phiên họp, nguyên thủ và bộ trưởng 80 nước tham dự một lần nữa khẳng định nguyên tắc đảm bảo bình đẳng chủ quyền của tất cả các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và tôn trọng quyền con người.
Tuyên bố cũng kêu gọi các nước kiềm chế áp dụng các biện pháp kinh tế, tài chính và thương mại đơn phương, gây cản trở tới sự phát triển kinh tế xã hội toàn diện, nhất là đối với các nước đang phát triển.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon khẳng định, cuộc họp này là một dấu mốc mới nhưng các nước cần tiếp tục coi trọng và củng cố pháp quyền vì một tương lai tốt đẹp hơn./.