Nhật Bản tung tiền kích thích kinh tế, nguy cơ "cuộc chiến tiền tệ"

14:45, 20/09/2012

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vừa khiến các thị trường bất ngờ trước quyết định tung ra các biện pháp kích thích kinh tế, theo chân các ngân hàng trung ương của Mỹ và châu Âu trong vài tuần vừa qua.

BoJ đã quyết định bơm thêm 10 nghìn tỷ yên vào chương trình mua tài sản của họ, được gia hạn đến cuối năm 2013 với lý do kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục gặp khó khăn. Động thái này ngay lập tức đã làm giảm giá đồng yên, làm dấy lên câu hỏi liệu thế giới có đang hướng đến một cuộc chiến tiền tệ mới hay không.

 

Nhà phân tích Michael Hewson thuộc công ty CMC Markets nhận xét rằng "với quan ngại về việc đồng yên tăng giá tiếp tục gây khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản và việc hoạt động kinh tế bắt đầu suy giảm, BoJ đã quyết định lại một lần nữa xử lý việc đồng yên tăng giá, tiếp tục tác động xấu tới các công ty xuất khẩu của nước này. Đợt nới lỏng định lượng lần thứ 3 (QE3) của Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) hồi tuần trước không có lợi gì cho Nhật Bản khi đẩy giá đồng yên lên cao hơn và BoJ đã quyết định phản ứng sớm để tìm cách giảm thiểu tác động các hành động của Fed đối với đồng yên, cũng như tìm cách kích thích tăng trưởng kinh tế".

 

Tuần trước, Chủ tịch FED Ben Bernanke đã công bố một chương trình mua trái phiếu mới, tức QE3. Tất nhiên là FED tuyên bố các chương trình của họ không nhằm làm suy yếu đồng USD, mặc dù nhà chiến lược tiền tệ Camilla Sutton thuộc Ngân hàng Nova Scotia (Canada) lưu ý rằng FED nhận thức được chính sách của họ là "đồng USD yếu". Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), dưới sự lãnh đạo của ông Mario Draghi, đã hành động từ tuần trước nữa.

 

Những động thái mới nhất của ba ngân hàng trung ương lớn của thế giới, cùng với khả năng hành động tương tự sắp tới của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc, đã nhắc nhở một số nhà quan sát về khả năng lại xảy ra cuộc chiến tranh lạnh tiền tệ giống năm ngoái. Quả thực các hành động trên của FED, ECB và BoJ khiến các nền kinh tế đang nổi có thể phải hành động trả đũa, bằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc sự kiểm soát vốn nhằm tìm cách ngăn các dòng tiền "nóng" đổ vào nền kinh tế của họ để tìm lợi tức cao hơn.

 

Một đồng nội tệ yếu hỗ trợ các công ty xuất khẩu của một quốc gia bằng cách giảm chi phí sản xuất hàng hóa của họ tại các thị trường nước ngoài. Và một đồng nội tệ mạnh hơn gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu. Một ví dụ rõ ràng là việc giá đồng đô la Canada liên tục tăng trong những năm gần đây khiến thâm hụt thương mại của nước này ngày càng cao, đạt mức kỷ lục hồi tháng 7 vừa qua.

 

Hewson nhận xét rằng Nhật Bản đã duy trì một chính sách tiền tệ lỏng lẻo trong nhiều năm nhưng vẫn không cải thiện được triển vọng kinh tế của nước này. Quyết định ngày 19/9 của BoJ là không thể tránh khỏi một khi FED quyết định in thêm tiền hồi tuần trước do quyết định của FED làm tăng sức ép đối với các công ty xuất khẩu Nhật Bản. Mặc dù Nhật Bản chỉ tuyên bố bơm thêm 10 nghìn tỷ yên, nhưng họ có khả năng phải chi nhiều hơn do cả hai ông Bernanke và Draghi đều cam kết sẽ mua số tài sản không hạn chế.

 

Mặc dù hiện người ta chưa chắc chắn về kết quả của quyết định kích thích kinh tế của BoJ, nhưng ông Adam Cole, nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) nhận xét rằng động thái trên của BoJ không thích hợp đối với đồng yên. Còn theo ông Kit Juckes, người phụ trách hối đoái tại Ngân hàng Pháp Société Générale, việc BoJ có ép các nhà đầu tư trong nước rời bỏ đồng yên để quay sang ngoại tệ hay không là chưa chắc chắn, nhưng việc nới lỏng tiền tệ hơn nữa luôn được chào đón tại Nhật Bản, quốc gia liên tục bị giảm phát trong hơn một thập kỷ qua.