“Vũ khí” kinh tế có thể được Trung Quốc sử dụng để buộc Nhật Bản phải nhượng bộ về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Một cố vấn cao cấp của chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi một cuộc tấn công vào thị trường trái phiếu Nhật Bản nhằm đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng tài chính và buộc nước này phải “khuất phục”, trừ khi Tokyo rút lại quyết định quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Dùng trái phiếu để tấn công Nhật Bản
Ông Jin Baisong từ Học viện Thương mại Quốc tế Trung Quốc - thuộc Bộ Thương mại nói rằng, Trung Quốc nên sử dụng sức mạnh là chủ nợ lớn nhất của Nhật Bản với 230 tỷ USD trái phiếu để "áp đặt lệnh trừng phạt một cách hiệu quả nhất với Nhật Bản" và khiến Tokyo lâm vào khủng hoảng tài chính trầm trọng.
Trong một bài viết đăng trên tờ Nhân dân nhật báo, ông Jin kêu gọi Trung Quốc áp dụng cái gọi là "an ninh ngoại lệ" theo quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để trừng phạt Nhật Bản, đồng thời bác bỏ lập luận cho rằng, một cuộc chiến tranh thương mại giữa “hai gã khổng lồ” châu Á sẽ phá hoại lẫn nhau.
Ngoài ra, theo tờ Thời báo Kinh tế Hong Kong, Trung Quốc đang soạn thảo một kế hoạch nhằm cắt đứt nguồn cung cấp đất hiếm - vốn rất cần thiết cho ngành công nghiệp công nghệ cao của Nhật Bản.
Những cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống Nhật đã lan rộng đến 85 thành phố ở Trung Quốc, buộc các công ty Nhật Bản phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động của một số nhà máy tại Trung Quốc.
Tranh chấp lãnh thổ Trung - Nhật cũng khiến hãng đánh giá định mức tín nhiệm Fitch Ratings cảnh báo sẽ hạ cấp của các nhà xuất khẩu Nhật Bản nếu cuộc xung đột Trung - Nhật tiếp tục kéo dài. Fitch Ratings cũng đưa ra cảnh báo rằng, Nissan đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ khi 26% doanh số bán xe toàn cầu của hãng này là tại Trung Quốc, tiếp đến là Honda với 20%, Sharp và Panasonic cũng đều có doanh số bán hàng lớn tại Trung Quốc. Xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc đạt 74 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, thương mại song phương Nhật - Trung đạt 345 tỷ USD năm 2011.
Ông Jin Baisong cho rằng, Trung Quốc có thể đủ khả năng để hy sinh bằng cách chấp nhận "giá trị gia tăng thấp" trong xuất khẩu sang Nhật Bản. Ngược lại, Nhật Bản được cho là dựa phần lớn vào nhu cầu của Trung Quốc để giữ cho nền kinh tế thịnh vượng sẽ "không thể đảo ngược" và ngăn chặn sự suy giảm này.
Tổn thất kinh tế do tranh chấp có thể lớn hơn trận động đất năm 2011
Các nhà phân tích cảnh báo, tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc có thể làm tổn thương mối quan hệ thương mại giữa hai nước và khiến cho các nhà sản xuất Nhật Bản chịu tổn thất nhiều hơn so với trận động đất xảy ra tháng 3/2011.
Mối lo ngại ngày càng tăng về tương lai của quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã khiến cổ phiếu của Nhật Bản sụt giảm hôm 18/9. Cổ phiếu của Nissan - hãng sản xuất xe hơi Nhật Bản có doanh số bán hàng lớn nhất ở Trung Quốc đã giảm 5,2% - mức thấp nhất kể từ tháng Năm trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo. Tương tự Honda cũng giảm 3%.
"Tranh chấp leo thang đã làm gia tăng sự bất ổn của nền kinh tế", ông Liu Li-Gang - chuyên gia kinh tế của Ngân hàng ANZ, có trụ sở tại Hong Kong nói với Bloomberg.
Hôm 17/9, một số công ty lớn của Nhật Bản đã công bố đóng cửa nhà máy và các cửa hàng ở Trung Quốc khi các cuộc biểu tình chống Nhật lan rộng. Toyota Motor Corp, Honda Motor Co và Nissan Motor Co đã dừng hoạt động sản xuất tại một số nhà máy, trong khi hãng điện tử Panasonic cho biết, một trong các nhà máy của hãng này đã bị các công nhân Trung Quốc phá hoại và phải đóng cửa hôm 18/9.
Trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản - hai nền kinh tế lớn nhất châu Á vào khoảng 345 tỷ USD năm 2011. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, nước này là thị trường lớn nhất cho hàng xuất khẩu của Nhật Bản năm 2011, trong khi đó, Nhật Bản là thị trường lớn thứ tư đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Nhật Bản đạt 148,3 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản của Trung Quốc đạt 194,6 tỷ USD năm 2011./.