Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới”, với nhận định chung là khá ảm đạm khi tăng trưởng trong năm nay của gần như tất cả các nền kinh tế đều giảm.
Tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chỉ đạt 3,3% trong năm nay, thấp nhất kể từ năm 2009. Tăng trưởng của năm 2013 là 3,6%. Trong báo cáo dự báo hồi tháng 7, IMF dự báo các mức tăng trưởng lần lượt là 3,5% và 3,9%. IMF nhận định nguy cơ kinh tế thế giới suy giảm đã lên đến mức đáng báo động với 1/6 khả năng tăng trưởng sẽ giảm xuống mức dưới 2%.
Theo IMF, vấn đề chủ chốt ở đây là liệu có phải kinh tế toàn cầu đang đối mặt với tình trạng hồi phục chậm chạp và đầy khó khăn hay sự suy giảm sẽ kéo dài. Câu trả lời phụ thuộc vào phản ứng của các nhà hoạch định chính sách trong việc đối phó với các thách thức kinh tế trong ngắn hạn.
188 nước thành viên của IMF sẽ nhóm họp tại Tokyo trong tuần này trong bối cảnh tăng trưởng vốn đã chậm chạp lại bị ảnh hưởng bởi nỗ lực thắt chặt tài khóa của các nước giàu nhất thế giới. Các biện pháp thắt lưng buộc bụng này đã làm tổn hại đến các nước đối tác thuộc nhóm đang phát triển từ Trung Quốc cho tới Brazil.
IMF hối thúc các biện pháp củng cố lòng tin bởi tương lai của châu Âu vẫn còn mù mịt với các nhà lãnh đạo bị chia rẽ trong vấn đề liên minh ngân hàng và Tây Ban Nha từ chối nhận cứu trợ.
IMF cho rằng niềm tin vào hệ thống tài chính toàn cầu vẫn rất mong manh. Tăng trưởng tín dụng vẫn ì ạch ở các nước phát triển trong khi các nước mới nổi đối mặt với tình trạng nguy cơ bị rút vốn ngày càng tăng.
IMF dự báo tăng trưởng của Eurozone sẽ suy giảm 0,4% trong năm nay và tăng trưởng 0,2% trong năm 2013. Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt 2,2% và 2,1% trong năm 2012 và 2013. Mức dự báo dành cho Nhật Bản cũng bị giảm xuống 2,2% và 1,2%.
Các nền kinh tế mới nổi cũng bị hạ mức dự báo với nhận định các yếu tố trong nước diễn biến xấu đi. Dự báo tăng trưởng của Brazil bị hạ mạnh nhất, giảm từ 2,5% xuống còn 1,5% cho năm nay và 4% cho năm 2013.
Trong báo cáo của mình, IMF hạ dự báo tăng trưởng của các nước đang phát triển ở châu Á xuống 6,7% trong năm 2012 do suy thoái kinh tế ở châu Âu và tăng trưởng ảm đạm ở Mỹ khiến sức tiêu dùng giảm, nhưng sau đó sẽ đạt 7,2% vào năm 2013.
IMF cho biết nhu cầu từ bên ngoài giảm đã hạ thấp tăng trưởng của một số nền kinh tế đang phát triển lớn ở Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia. Tuy nhiên, kinh tế Thái Lan và Philippines sẽ được cải thiện do sự phát triển trong lĩnh vực đầu tư và nhất là xây dựng, vốn bị ảnh hưởng của những trận lũ lụt nghiêm trọng hồi năm ngoái.
Về triển vọng kinh tế Nhật Bản, báo cáo cũng hạ mức tăng trưởng dự báo xuống còn 2,2% trong năm 2012 và 1,3% vào năm 2013. Dự báo hồi tháng Bảy của IMF là 2,4% và 1,5%. IMF cho rằng giải pháp nới lỏng tiền tệ sẽ hỗ trợ nền kinh tế thế giới, nhưng với kinh tế Nhật Bản, cần có thêm nhiều biện pháp khác để chống thiểu phát.
Liên quan đến Trung Quốc, nền kinh tế được coi là một đầu tàu quan trọng của tăng trưởng khu vực, IMF dự báo tăng trưởng sẽ giữ ở mức 7,8% trong năm 2012 và 8,2% vào năm 2013. Các mức dự báo trên đều thấp hơn mức dự báo hồi tháng Bảy là 8,0% và 8,2%. Theo nhận định của IMF, tăng trưởng giảm ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của các nước châu Á còn lại.
Dự báo về Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, IMF đưa ra mức tăng trưởng 4,9% năm 2012 và 6% vào năm 2013, nhưng đầu tư đang chững lại do vấp phải các vấn đề về quản lý.
Đánh giá về châu Phi, IMF cho rằng tăng trưởng kinh tế trong năm nay cũng suy yếu do nhu cầu toàn cầu giảm trong khi giá lương thực tăng cao. Tăng trưởng năm 2012 của châu Phi là 5% so với mức dự báo 5,3% trước đây, và 5,3% cho năm 2013 so với tỷ lệ 5,7%.