Cuộc tranh luận trực tiếp thứ ba, cũng là cuối cùng giữa Tổng thống Barack Obama với đối thủ Mitt Romney đã diễn ra tại Đại học Lynn ở bang Florida sáng 23-10 (giờ Việt Nam).
Với trọng tâm là chính sách đối ngoại, hai ứng viên lần lượt tranh luận về các vấn đề đang được cả dư luận quốc tế quan tâm như: Libya thời hậu Moammar Gadhafi, bất ổn kéo dài ở Syria, tình hình Ai Cập sau cuộc lật đổ Hosni Mubarak, vấn đề hạt nhân của Iran, mối quan hệ đồng minh với Israel, sự trỗi dậy của Trung Quốc, mối đe dọa hạt nhân với nước Mỹ và cả việc cắt giảm hay tăng cường lực lượng hải quân. Kết quả thăm dò tại Bắc Mỹ và một số quốc gia công bố ngay sau cuộc tranh luận cho thấy, đương kim Tổng thống B. Obama đã hạ gục M. Romney trong "hiệp đấu" cuối cùng. Cuộc trưng cầu chớp nhoáng do CBS News thực hiện cho thấy B. Obama đã chiến thắng với tỷ lệ 53%-23%, giúp ông gỡ điểm sau cuộc tranh luận đầu tiên được cho là thất bại. Cuộc trưng cầu của CNN cũng cho kết quả tương tự, nhưng với khoảng cách sít sao hơn: 48%-40%.
Ứng cử viên Tổng thống M.Romney (trái) và Tổng thống B.Obama trong cuộc “so găng” cuối cùng tại Đại học Lynn, bang Florida (Mỹ) ngày 23-10.
Có thể nói, đối ngoại là chủ đề dường như có lợi hơn cho Tổng thống B. Obama vì ông thật sự là người dẫn dắt và theo sát chính sách đối ngoại Mỹ suốt ngót 4 năm qua. Do đó, với thế cân bằng vừa được thiết lập sau màn phản công đầy ngoạn mục ở cuộc tranh luận lần thứ hai (16-10), Tổng thống B. Obama đặc biệt nhấn mạnh tới các thành tựu đối ngoại - an ninh trong 4 năm qua của Nhà Trắng, khắc họa đậm nét về một bức tranh Mỹ yên bình hơn. Đó là chấm dứt vai trò của quân đội Mỹ tại Iraq, giảm bớt quân Mỹ ở Afghanistan, tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin-Laden và nhiều thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda… Đương kim Tổng thống cũng cho thấy đối thủ M. Romney đã "sai trong tất cả các lựa chọn về đối ngoại". Theo Tổng thống B. Obama, ông M. Romney muốn áp dụng chính sách đối ngoại của những năm 1980 và giống như chính sách xã hội những năm 1950 và chính sách kinh tế những năm 1920. Đáp lại, cựu Thống đốc M. Romney không ngừng công kích các chính sách của Nhà Trắng mà theo ông là quá mềm mỏng với "điểm nóng" Trung Đông nên không thể chấm dứt cuộc chiến kéo dài 19 tháng qua ở Syria cũng như không ngăn chặn được chương trình hạt nhân của Iran và làn sóng chống Mỹ trong thế giới Arab...
Thực tế, qua ba cuộc "so găng", Tổng thống B. Obama luôn đưa ra các lập luận vững chắc cùng kết quả thực tiễn để bảo vệ các chính sách mà ông đang theo đuổi. Điều này trái ngược với một M. Romney khá lúng túng với những hứa hẹn và cam kết chung chung, đặc biệt là trong các vấn đề đối ngoại. Tình thế như vậy là không quá khó hiểu khi đối ngoại không phải là "sở trường" của một nhà chính trị có gốc gác là một doanh nhân như M. Romney. Mặt khác, cho đến gần đây, cựu Thống đốc bang Massachusetts cũng chưa có động thái nào tập trung cho chính sách đối ngoại của nước Mỹ; thậm chí ông M. Romney còn phát biểu thất thố về đối ngoại của Mỹ với một số "đối tác". Từ đầu cuộc chạy đua, ông M. Romney chỉ đã và vẫn dồn sự chú ý vào lĩnh vực kinh tế. Vì vậy, cơ hội cho ứng cử viên Cộng hòa trong trận đấu "đối ngoại" là không nhiều ngay từ khi cuộc tranh luận bắt đầu; nhất là sau khi để B. Obama "san bằng tỷ số" trong lần đối đầu thứ hai trước đó.
Tuy nhiên, dẫu được cho là thắng 2-1 trước đối thủ M. Romney sau 3 lần tranh luận nhưng đây chưa phải là lợi thế tuyệt đối của đương kim Tổng thống B. Obama trên đường tái cử. Theo kinh nghiệm từ những kỳ bầu cử trước, chính sách đối ngoại không được xem là yếu tố quyết định tác động đến lá phiếu của cử tri, những người đang vật lộn với cuộc tìm kiếm việc làm và phải đương đầu với các khó khăn kinh tế. Hiện có khoảng 5% số cử tri chưa quyết định bầu cho ai và 5% này đang gây sức ép không nhỏ với cả đương kim Tổng thống B. Obama lẫn cựu Thống đốc M. Romney. Bên cạnh đó, các cuộc thăm dò dư luận gần đây không cho thấy sự quá cách biệt giữa hai ứng viên. Và, cuộc bám đuổi sít sao đang chia đều cơ hội cho cả hai. Vì vậy càng gần ngày bầu cử, cuộc đua vào Nhà Trắng của nước Mỹ càng thêm gay cấn.