Bầu cử Mỹ: Ông Obama không thể "mềm yếu" lần nữa

08:20, 16/10/2012

Giới quan sát cho rằng ông Obama cần chứng tỏ sự quả quyết, chắc chắn trong các chính sách của mình và tránh quá “nhũn nhặn”.

Còn 3 tuần nữa mới đến ngày bầu cử Tổng thống tại Mỹ nhưng cuộc tranh luận tay đôi trực tiếp giữa đương kim Tổng thống Obama và đối thủ Mitt Romney vào ngày 16/10 (giờ Hoa Kỳ) có thể được coi là phần quyết định của chiến dịch tranh cử nước rút này.

 

Theo các nhà phân tích, nếu tiếp tục bị “lép vế” trước ông Romney, đương kim Tổng thống sẽ khó có đủ thời gian để lật ngược thế cờ dù các số liệu kinh tế và việc làm có tạo thuận lợi cho ông thế nào đi chăng nữa.

 
 

Bên cạnh các vấn đề trong nước, cuộc tranh luận lần này tập trung vào chủ đề chính sách đối ngoại, điều mà các chuyên gia cho rằng, ông Obama sẽ giành ưu thế. Mặc dù vậy, không ai dám chắc chắn điều gì trước kết quả của cuộc tranh luận đầu tiên cũng như bối cảnh quốc tế hiện nay.

 

Trong cuộc tranh luận lần này, chắc chắn mối quan hệ tương lai giữa Mỹ với Israel và Nga sẽ được bàn cãi gay gắt. Đây có thể là một bất lợi đối với đương kim Tổng thống Obama vì mối quan hệ của Mỹ với Israel, đồng minh thân cận của Washington ở Trung Đông lại gặp nhiều trắc trở trong nhiệm kỳ 4 năm vừa qua của ông. Ngoài ra, ông Romney chắc chắn sẽ “đánh” vào chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama trong về vấn đề Iran và Syria nói riêng và chính sách tại Trung Đông nói chung. Ứng cử viên đảng Cộng hòa cho rằng chính quyền của ông Obama “chỉ dựa vào hy vọng thay vì dùng chiến lược hiệu quả”, đồng thời cam kết sẽ “mạnh tay hơn” trong chính sách đối ngoại nếu ông đắc cử.

 

Tuy nhiên, Cựu Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton, bà Madeleine Albright cho rằng, ông Romney thiếu hiểu biết về những gì đang diễn ra trong thế giới Arab và cách thức đối phó với tình hình hiện nay ở Trung Đông.

 

Bà Albright nói: “Tổng thống Obama nhận ra rằng sức mạnh của nước Mỹ xuất phát từ việc hợp tác với các nước trong các vấn đề như chống khủng bố, an toàn hạt nhân, năng lượng và môi trường, đối phó với khủng hoảng kinh tế… Trong khi đó, tôi lấy làm bất ngờ vì những gì ông Romney nói, dường như nó đưa chúng ta về thời Chiến tranh lạnh và tôi thấy điều đó chẳng có ích gì. Tôi cho rằng mọi người đều đã thấy sức mạnh của nước Mỹ, những cái họ cần thấy lúc này là sự hợp tác của nước Mỹ”.

 

Tại thời điểm này, nếu như nhiệm vụ của ứng cử viên Mitt Romney khá đơn giản, đó là dùng tài hùng biện của mình để tăng sức nặng cho cương lĩnh tranh cử của đảng Cộng hòa, thì nhiệm vụ khó khăn của Tổng thống Obama là phải làm mới mình. Ông Obama phải xóa đi hình ảnh quá “nhũn nhặn” và thận trọng của 1 vị Tổng thống tại nhiệm trong cuộc tranh luận đầu tiên để chứng tỏ sự quả quyết, chắc chắn trong các chính sách của ông.

 

Kết quả thăm dò công bố ngày 13/10 của hãng thông tấn Reuters và công ty điều tra dư luận Ipsos (Reuters/Ipsos) cho biết, ở thời điểm hiện tại, ông Romney đã nới rộng khoảng cách dẫn điểm tới 3% so với ông Obama. Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra rất có lợi cho ông Obama khi các kết quả thăm dò cho thấy vị Tổng thống đương nhiệm này đang dẫn đối thủ với khoảng cách khá xa trong số những cử tri trên toàn quốc đã đi bỏ phiếu theo hình thức bỏ phiếu sớm. Theo thăm dò công bố ngày hôm qua, 14/10, của Reuters/Ipsos, trong số những cử tri đã bỏ phiếu, ông Obama nhận được sự ủng hộ của 59% so với 31% dành cho ông Romney./.