Làn sóng tẩy chay hàng hóa Nhật Bản lan rộng đã khiến tình hình kinh doanh nhiều mặt hàng của Nhật tại Trung Quốc giảm mạnh.
Ngày 11/10 là tròn một tháng kể từ khi chính quyền của Thủ tướng Noda tuyên bố quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp ngoài khơi biển Hoa Đông - sự việc làm bùng lên làn sóng phản đối dữ dội từ Trung Quốc và khiến quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản rơi vào tình trạng được cho là căng thẳng nhất trong vòng 40 năm trở lại đây.
Tuy một tháng đã trôi qua, nhưng căng thẳng giữa hai nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngoài việc thể hiện thái độ kiên quyết trong việc bảo vệ chủ quyền thông qua việc liên tiếp điều tầu tuần tra đi lại tại vùng biển tranh chấp, thậm chí đi vào vùng biển 12 hải lý, Trung Quốc còn dùng nhiều biện pháp khác, như kinh tế nhằm gây sức ép lên chính phủ của Thủ tướng Noda với mong muốn Nhật Bản phải “sửa chữa sai lầm, quay lại bàn đàm phán” như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này nhiều lần tuyên bố.
Làn sóng tẩy chay hàng hóa Nhật Bản lan rộng đã khiến tình hình kinh doanh nhiều mặt hàng của Nhật tại Trung Quốc giảm mạnh. Ba hãng xe hơi lớn nhất của Nhật là Toyota, Honda và Nisan cho biết, tình hình tiêu thụ xe của các hãng tại Trung Quốc trong tháng 9 lần lượt giảm 49%, 41%, 35%, và nhiều khả năng sẽ không hoàn thành mục tiêu tiêu thụ xe trong năm 2012. Lượng du khách Trung Quốc sang Nhật Bản cũng giảm.
Bên cạnh việc phải chịu sức ép của giới doanh nghiệp trong nước do tình hình kinh doanh giảm sút, chính quyền của Thủ tướng Noda cũng đang phải đương đầu với nhiều áp lực khác từ phía Trung Quốc. Việc Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố không tham dự Hội nghị thường niên của Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới được tổ chức ở Tokyo vào ngày 14/10 tới không chỉ là dấu hiệu cho thấy căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ đã và sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính tiền tệ giữa hai nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới, mà đây còn được coi là hành động tẩy chay Nhật tại các diễn đàn đa phương, hòng buộc chính quyền Thủ tướng Noda phải thay đổi hành động của mình.
Trong khi đó, cho đến hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ nhượng bộ Nhật Bản trong đợt căng thẳng này./.