Những làn sóng ngầm trong chính trường Pháp

14:09, 29/10/2012

Khơi mào cho những bất ổn trên chính trường Pháp là sự kiện thành lập đảng mới của Chủ tịch đảng Cấp tiến Jean- Louis Borloo.

Nước Pháp đang đứng trước những làn sóng ngầm về chính trị mới. Trong bối cảnh hai đảng lớn nhất trên chính trường Pháp là đảng Xã hội (PS) cầm quyền của Tổng thống François Hollande đang dần mất uy tín do những hoạt động bị đánh giá là yếu kém của chính phủ trong thời gian vừa qua và đảng cánh hữu Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) đang gặp khủng hoảng về người lãnh đạo sau khi cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy ra đi, thì có vẻ như các chính trị gia của Pháp đang muốn tranh thủ tâm lý chờ đợi một sự thay đổi của người dân Pháp.

 

Sự kiện được cho là đã nổ phát đại bác đầu tiên cho những bất ổn trong nền chính trị Pháp là ngày 21/10 vừa qua, Jean-Louis Borloo, cựu Bộ trưởng Bộ sinh thái dưới thời cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và là Chủ tịch đảng Cấp tiến (PR), công bố thành lập đảng mới với tên “Liên minh những người dân chủ và độc lập” (UDI).

 

Với khẩu hiệu “Độc lập không phải là sự chia rẽ”, đảng mới “Liên minh những người dân chủ và độc lập” (UDI) do ông Jean-Louis Borloo làm Chủ tịch đã nhận được sự ủng hộ và tham gia của những nhân vật chủ chốt như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hervé Morin, cựu Quốc vụ khanh phụ trách về nhân quyền Rama Yade, cựu Bộ trưởng Bộ Thể thao Chantal Jouanno. Ngoài ra, đảng mới UDI cũng nhận được sự ủng hộ của cựu Tổng thống Valéry Giscard d’Estaing, cựu Chủ tịch Quốc hội châu Âu và cũng là cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Simone Veil, và của 60 nghị sĩ tại hai viện Quốc hội Pháp.

 

Báo chí Pháp cho rằng, việc thành lập đảng mới Liên minh những người dân chủ và độc lập là bước đi của ông Jean-Louis Borloo nhằm thống nhất phe trung tâm trên chính trường Pháp, được cho là đã bị chia rẽ và suy yếu sau khi lãnh tụ phe trung tâm, Chủ tịch đảng Dân chủ mới - MoDem và là cựu ứng cử viên Tổng thống François Bayrou tuyên bố ủng hộ ứng cử viên François Hollande của đảng Xã hội (PS) trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua.

 

Không giấu diếm về tham vọng thành lập đảng mới Liên minh những người dân chủ và độc lập, Chủ tịch Jean-Louis Borloo cho biết: “Như các bạn đã biết, chúng tôi nỗ lực thành lập đảng chính trị lớn, quan trọng của phe trung tâm và mục tiêu sau đó là chúng ta sẽ giành quyền lãnh đạo các thành phố, các khu vực và đất nước”.

 

Mục tiêu trước mắt của đảng mới UDI là tiếp tục mở rộng thành phần tham gia, tập trung giành sự ủng hộ của 28% cử tri Pháp với hai vùng chiến lược được hướng đến phía Tây và Tây Nam của nước Pháp hiện thuộc quyền ảnh hưởng của đảng Liên minh vì phong trào nhân dân UMP, chuẩn bị cho hai cuộc bầu cử bổ sung lớn vào Hạ viện và Thượng viện vào năm 2014.

 

Các nhà phân tích chính trị tại Pháp cho rằng, việc thành lập đảng chính trị mới này động thái có thể ảnh hưởng đến cán cân lượng lực trên chính trường Pháp. Điều này xuất phát từ nhiều khía cạnh, nhất là khi đảng mới này ra đời trong bối cảnh hai đảng lớn nhất trên chính trường Pháp là đảng Xã hội (PS) cầm quyền của đương Tổng thống François Hollande đang dần mất uy tín do những hoạt động bị đánh giá là yếu kém của chính phủ trong thời gian vừa qua và đảng cánh hữu Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) đang gặp khủng hoảng về người lãnh đạo sau khi cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy ra đi.

 

Với việc thành lập đảng mới này, phe trung tâm của Pháp đã được thống nhất để có thể vượt qua đảng Dân chủ mới MoDem của ông François Bayrou, trở thành lực lượng chính trị mạnh cạnh tranh với hai đảng còn lại.

 

Trong khi đó, sau thất bại trong các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội vừa qua, đảng Liên minh vì phong trào nhân dân đang có những dấu hiệu chia rẽ và đứng trước những thách thức mới. Hiện cuộc đua giành quyền lãnh đạo Liên minh vì phong trào nhân dân đang diễn ra quyết liệt giữa ông Jean-François Copé và cựu Thủ tướng François Fillon. Tuy nhiên, các đánh giá chung đều cho rằng, sau sự ra đi của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, thì dường như đảng Liên minh vì phong trào nhân dân chưa thể tìm chọn được người lãnh đạo nào có đủ uy tín và tài năng để tập hợp được các phe cánh trong đảng, ngay cả vào thời điểm chỉ còn 3 tuần nữa là đến cuộc bầu chọn Chủ tịch mới của đảng này.

 

Ông Yves Jégo, Hạ nghị sĩ, thành viên của đảng mới UDI, cựu thành viên của đảng Liên minh vì phong trào nhân dân, cho rằng: “So với khi thành lập cách đây 10 năm, đảng Liên minh vì phong trào nhân dân ngày nay đã mất tất cả, thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương, mất quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện, thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống… Trong vòng 10 năm, chúng ta đã mất tất cả. Và khi đó, tôi tự hỏi, tại sao chúng ta lại không thay đổi. Chúng tôi muốn giành lại chiến thắng với việc tham gia đảng mới”.

 

Ngày 26/10 vừa qua, một ngày trước cuộc tranh luận trên đài truyền hình France 2 giữa hai ứng cử viên Chủ tịch đảng Liên minh vì phong trào nhân dân, Chủ tịch của đảng Mặt trận quốc gia, bà Jean-Marine Le Pen, đã ra thông cáo kêu gọi các đảng viên của Liên minh vì phong trào nhân dân tẩy chay việc bầu chọn Chủ tịch mới của đảng này và gia nhập đảng Mặt trận quốc gia.

 

Những tuyên bố mang tính “khiêu khích” này của bà Le Pen cho thấy làn sóng ngầm về chính trị trên chính trường Pháp sẽ còn căng thẳng, khi cả đảng cầm quyền và các đảng phái khác đều chưa khẳng định được chỗ đứng của mình./.