Obama đi bỏ phiếu sớm

10:14, 26/10/2012

Tổng thống Barack Obama hôm qua hâm nóng chiến dịch vận động tranh cử bằng cách trở về thành phố Chicago, nơi ông có nhà riêng, để bỏ phiếu sớm.

"Với tất cả các bạn, những người chưa đi bỏ phiếu, tôi muốn các bạn chứng kiến quá trình vô cùng hiệu quả này", AFP dẫn lời ông Obama nói trước một nhóm nhỏ các nhân viên và các nhà quan sát việc bỏ phiếu, trong một hoạt động được phát trên sóng trên truyền hình. "Điều đó có nghĩa là bạn không phải bạn lo lắng chuyện sắp xếp thời gian cho công việc, đưa đón con cái mà vẫn có thể tham gia bỏ lá phiếu của mình".

 

"Nếu có điều gì đó xảy ra vào trong ngày bầu cử, bạn không cần phải lo lắng. Nếu thời tiết xấu, bạn sẽ không bị ướt. Hay như tại Chicago, trời sẽ có tuyết. Nhưng việc bỏ phiếu sớm thực sự rất tiện lợi. Tôi không nói cho các bạn biết tôi bầu cho ai đâu", ông đùa.

 

Obama tỏ ra rất vui vẻ và thoải mái, bất chấp việc ông đang phải ráo riết chạy đua nước rút bằng chuyến đi hai ngày không ngừng nghỉ qua 6 bang trọng yếu. Bỏ phiếu sớm là yếu tố chính trong chiến lược huy động cử tri của Obama với kỳ vọng có thể tạo ra những biến chuyển mạnh mẽ trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

 

Một số bang ở Mỹ cho phép bỏ phiếu trước ngày bầu cử chính thức 6/11. Cuộc đua vào Nhà trắng đang diễn ra quyết liệt trên khắp nước Mỹ và việc bỏ phiếu sớm có thể làm nên sự khác biệt tại nhiều khu vực. Dữ liệu bỏ phiếu hiện cho thấy ứng viên của đảng Dân chủ này đang có phần vượt trội so với đối thủ là ứng viên của đảng Cộng hòa Mitt Romney.

 

Bỏ phiếu sớm rất có lợi trong việc đảm bảo rằng những cử tri sẽ hoàn thành nghĩa vụ của mình, phòng trường hợp chẳng may họ gặp khó khăn khi đến điểm bầu cử vào tháng tới. Điều này cũng giúp chiến dịch tranh cử tập trung nỗ lực để thuyết phục những cử tri còn lưỡng lự.

 

Obama là tổng thống đầu tiên tự đi bỏ phiếu sớm và chuyến thăm nhà hiếm có của ông đã khiến nhiều người dân ở khu vực chủ yếu là người Mỹ gốc Phi này phấn chấn.

 

Đám đông đã tập trung bên ngoài Trung tâm Cộng đồng Martin Luther King nhiều giờ trước khi ông Obama có mặt. Họ hô vang "4 năm nữa" khi chiếc xe hộ tống ông xuất hiện giữa những cơn gió mạnh kèm theo mưa do ảnh hưởng của bão.

 

"Thật tuyệt vời", Kelly Campbell, 41 tuổi, chia sẻ cảm nhận ngắn gọn của mình về Obama. "Trước đây, tôi chỉ mới nhìn ông ấy từ phía sau, nhưng lần này đã được thấy mặt ông ấy rồi", cô nói khi một tay bế con gái 3 tuổi, Natalie, một tay cầm camera.

 

"Tôi nghĩ ông ấy là tổng thống tuyệt vời nhất", Chatae Black, 26 tuổi, một bồi bàn tỏ rõ sự hào hứng khi đi bỏ phiếu sớm cùng địa điểm với tổng thống.

 

Vài giờ trước khi ông Obama tới, Beverly Green, 50 tuổi, nghĩ về cha của bà khi xếp hàng trước chân dung Martin Luther King, một nhà hoạt động da màu bị ám sát năm 1968. Cha của Green đã qua đời ngay trước khi cuộc bầu cử năm 2008 diễn ra và không được chứng kiến thời khắc giấc mơ về một tổng thống Mỹ gốc Phi trở thành hiện thực. Green cho rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama sẽ tươi sáng hơn so với nhiệm kỳ vừa qua.

 

Angela Rand, 32 tuổi, cầm bức ảnh Obama đến với hy vọng được tổng thống ký tặng. Cô đang thất nghiệp nhưng không đổ lỗi cho tổng thống về nền kinh tế trì trệ. "Đó không phải là lỗi của ông ấy", cô nói khi tiến tới bỏ lá phiếu của mình. "Tôi nghĩ ông ấy đã làm tốt công việc được giao".

 

Eletha Shearer, 50 tuổi, cũng đưa con trai đi bầu cử sớm để tránh cảnh đông đúc trong ngày bầu cử. "Tổng thống đang làm rất tốt", Shearer dẫn ra những thành tích của ông Obama về cải cách về y tế và tiêu diệt cựu trùm khủng bố Osama bin Laden.

 

Shearer tin rằng ông Obama có thể chiến thắng, và bà không hiểu tại sao mọi người lại đi bỏ phiếu cho ứng viên đảng Cộng hòa với những dự tính cắt giảm lợi ích của người già. "Họ không nghĩ rằng họ cũng đang già đi, hoặc là họ đủ giàu để không phải lo lắng đến chuyện đó", bà nội trợ này nói.