Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ hiến Scotland Alex Salmond vừa đưa ra một quyết định bất ngờ khiến dư luận thế giới vốn đang bị cuốn theo sức hút của cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu, những diễn biến khó lường tại Syria, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ… ngỡ ngàng. Đó là kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý vào năm 2014 về việc Scotland có rời khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh để trở thành một quốc gia độc lập hay không.
Trên thực tế, ý tưởng Scotland tách khỏi mẫu quốc đã được đảng Dân tộc (SNP) của ông A.Salmond đưa ra năm 2007. Khi đó, giới chức lãnh đạo đảng này thậm chí còn dự kiến thời điểm trưng cầu dân ý vào năm 2010. Tuy nhiên, tham vọng này đã phải tạm dừng khi SNP không giành được đa số tuyệt đối trong cơ quan lập pháp. Phải tới sau chiến thắng tương đối thuyết phục trong cuộc bầu cử tháng 5-2011, kế hoạch này mới tiếp tục được nối lại.
Hiện tại, khả năng Liên hiệp Vương quốc Anh (gồm Anh, Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland) có thể bị tan vỡ sau 300 năm tồn tại đang khiến không ít người dân xứ Sương mù cảm thấy lo lắng. Nếu đa số người dân Scotland tán thành việc chia tách, dù vẫn còn lại Xứ Wales và Bắc Ireland, nhưng sức mạnh kinh tế và quân sự của Vương quốc Anh sẽ bị giảm sút. Đó là chưa kể nếu Scotland giành được độc lập sẽ mở đường cho một đe dọa mới với nền hòa bình ở Bắc Ireland. Nghiêm trọng hơn, dư luận lo ngại thỏa thuận giữa London và Edinburgh sẽ truyền cảm hứng mới cho phong trào đòi ly khai ở nhiều quốc gia Châu Âu khác như Bỉ và Tây Ban Nha trong bối cảnh khủng hoảng nợ công đang lan rộng ở khu vực này. Vì vậy, dù để người dân Scotland được quyền lựa chọn dân chủ cho tương lai, song chắc chắn, Thủ tướng D.Cameron và nội các sẽ nỗ lực hết mình để giữ Scotland là một bộ phận lãnh thổ không thể chia tách của Vương quốc Anh.
Trong bối cảnh hiện tại, mong muốn giữ toàn vẹn lãnh thổ của ông chủ nhà số 10 phố Downing có nhiều lợi thế hơn nhiều so với tham vọng độc lập của Thủ hiến A.Salmond. Kết quả thăm dò dư luận gần đây nhất cho thấy, chỉ có 34-37% người dân Scotland ủng hộ nền độc lập, trong khi có tới 55-63% số người phản đối tách khỏi Vương quốc Anh. Với người dân Scotland, sự việc này là hết sức khiên cưỡng. Thứ nhất, việc chia tách chỉ mang tính hình thức bởi lâu nay Scotland vốn được trao nhiều quy chế khá độc lập với Vương quốc Anh khi có cờ riêng, hệ thống luật pháp riêng, thẻ căn cước riêng...
Thứ hai, trong bối cảnh Liên minh Châu Âu (EU) đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ, tất cả các nền kinh tế thành viên đều bị ảnh hưởng, trong đó có Anh, dĩ nhiên Scotland cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực từ tình hình chung. Song, nếu "độc lập" vào thời điểm này, không đồng nghĩa với Edinburgh sẽ mạnh hơn mà thậm chí còn ngược lại khi khả năng mất hạng tín nhiệm AAA là rất cao... Bên cạnh đó, Vương quốc Anh là một trụ cột kinh tế của cả trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Nếu chia tách, Scotland sẽ phải gây dựng từ đầu và không thể dễ dàng trở thành một quốc gia có vị thế trên bản đồ thế giới. Tóm lại, kết quả thăm dò cho thấy Scotland sẽ mất nhiều hơn được - nếu ra đi khỏi Vương quốc và cái được ở đây chỉ là một tên gọi độc lập, hoàn toàn chỉ mang tính biểu tượng.
Nhiều ý kiến cho rằng, kế hoạch đưa Scotland thành quốc gia độc lập của Thủ hiến A.Salmond chứa đựng ý tưởng chính trị nhiều hơn thực tiễn. Vì nếu kết quả trưng cầu dân ý ủng hộ chia tách, thì người hưởng lợi nhiều nhất chính là ông A.Salmond khi nắm chắc cơ hội trở thành Thủ tướng một đất nước với địa vị pháp lý ngang bằng với các nguyên thủ thế giới. Còn cam kết sau đó đưa Scotland trở thành nền kinh tế giàu thứ 6 thế giới của nhà lãnh đạo 58 tuổi này được cho chỉ là để tìm thêm phiếu thuận.
Nhìn chung, cơ hội cho Thủ hiến A.Salmond không nhiều. Từ nay đến mùa thu năm 2014, nếu không tung ra được một "lộ trình" đủ thuyết phục về một tương lai Scotland sẽ tươi sáng hơn khi không nằm trong Liên hiệp Vương quốc Anh thì chính ông sẽ bị "đóng băng" trong ý tưởng ly khai - một ảo tưởng đang gặm nhấm toàn cầu.