Cùng với lực lượng đối lập, xung đột tại Syria đã có sự góp mặt của các phần tử khủng bố cực đoan.
Xã hội Syria đang trở nên bất ổn và rối ren do hậu quả của các cuộc xung đột, đặc biệt là sự có mặt của các “lực lượng cực đoan”. Đây là nhận định của ông Lakhdar Brahimi, đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab về vấn đề Syria.
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Damascus sau cuộc gặp với Bộ trưởng Hòa giải dân tộc Syria, ông Brahimi thừa nhận những khó khăn mà ông phải đối mặt trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Syria. Ông cho rằng, hiện nay, các yếu tố bên ngoài đang chi phối tình hình Syria, trong khi xung đột đã lan ra hầu hết khu vực biên giới: “Xã hội Syria đang trở nên hết sức bất ổn và rối ren. Có quá nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Chúng ta cần biết ai đang làm gì và tại sao họ lại làm như vậy. Những điều đó khiến cho sứ mệnh của tôi gặp rất nhiều khó khăn”.
Những lo ngại của ông Brahimi là hoàn toàn có cơ sở. Bởi mới đây, ngày 26/9, nhóm phiến quân Hồi giáo Al-Islam, tập hợp những người ủng hộ đạo Hồi, đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ đánh bom kép, xảy ra cùng ngày, nhằm vào Tổng hành dinh quân đội Syria được bố phòng cẩn mật ngay giữa trung tâm thủ đô Damascus. Trong khi đó, một nhóm phiến quân Hồi giáo khác có tên "Mặt trận Al-Nusra" cũng đã lên tiếng nhận trách nhiệm đứng sau 38 vụ tấn công, trong đó có cuộc tấn công kéo dài 48 tiếng với quân đội chính phủ ở Hanano, một căn cứ chiến lược tại thành phố Aleppo.
Như vậy, cùng với lực lượng đối lập, xung đột tại Syria đã có sự góp mặt của các phần tử khủng bố cực đoan và đây là điều khiến dư luận lo ngại.
Trong một diễn biến liên quan, tại cuộc gặp ngày 30/9 ở thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhất trí cùng phối hợp nhằm tìm ra một giải pháp cho vấn đề Syria. Hai nước sẽ tiến hành đối thoại chiến lược cấp cao vào đầu tháng 11 tới, với chương trình nghị sự tập trung vào vấn đề Syria.
Trong khi đó, tại các cuộc thảo luận trong khuôn khổ khóa họp 67 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, cộng đồng quốc tế tiếp tục bất đồng về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Trong khi Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi Liên Hợp Quốc bảo vệ cái mà ông gọi là "các vùng giải phóng" hiện nằm dưới quyền kiểm soát của phe đối lập ở Syria thì Tổng thống Ai Cập Mursi phản đối mọi sự can thiệp của bất kỳ lực lượng quân sự nước ngoài nào tại Syria, cho dù Ai Cập cũng mong muốn Tổng thống Assad rời khỏi quyền lực.
Nga và Trung Quốc cũng phản đối hành động can thiệp quân sự đối với Syria. Còn Qatar cùng với Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ lại ủng hộ mạnh mẽ lực lượng chống đối ở Syria.
Trong khi đó, Iran, quốc gia Hồi giáo mà người Shiite chiếm đa số lại ủng hộ Tổng thống Assad, vốn xuất thân từ cộng đồng thiểu số Alawite, một nhánh của người Shiite./.