Tổng thống Obama và đối thủ Romney trước giờ "so găng"

09:08, 03/10/2012

Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa 2 ứng viên tổng thống Mỹ được coi là cơ hội cuối để ông Romney xoay chuyển tình thế.

Mặc dù sau đó còn 2 cuộc tranh luận trực tiếp nữa (dự kiến vào ngày 16 và 22/10) trong cuộc tranh cử tổng thống giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa (Mỹ) nhưng cuộc đối đầu ở thành phố Denver, bang Colorado, vào tối 3/10 (theo giờ Hoa Kỳ) vẫn được coi là có tác động lớn nhất và hai bên đang tích cực mài sắc vũ khí cho trận quyết chiến này.

 

Ước tính có tới 50-60 triệu khán giả theo dõi các cuộc tranh luận này trên toàn nước Mỹ, theo tờ Người bảo vệ của Anh. Hai đợt tranh luận tiếp theo sẽ diễn ra ở Long Island và Florida.

 

Chris Christie, Thống đốc bang New Jersey, thừa nhận rằng hàng triệu khán giả chỉ thực sự bật ti-vi xem và chú ý đến đợt thứ 1 này. “Đến sáng hôm thứ 5 (tức ngay sau cuộc tranh luận đầu tiên) thì toàn bộ câu chuyện về cuộc tranh cử sẽ thay đổi,” ông Christie, cũng là người của phe Cộng hòa, phát biểu gần đây trên Đài NBC.

 
 

Theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây, ông Obama đang dẫn trước ông Romney về tỷ lệ cử tri ủng hộ, kể cả ở các bang lưỡng lự (nơi không ứng viên nào giành thế áp đảo, và do đó sự ủng hộ của cử tri ở đây sẽ có vai trò quyết định đối với toàn cục). Ví dụ, thăm dò công bố hôm 1/10 của Washington Post/ABC News cho thấy ông Obama đang dẫn trước 11% ở 9 bang như thế.

 

Trong bối cảnh ấy, ứng viên của Đảng Cộng hòa sẽ buộc phải “thể hiện mình” thật tốt trong trận đấu vào tối 3/10 này. Nếu như ông Obama có thể “chơi phòng ngự” và chỉ cần không mắc lỗi nào cả trong suốt buổi tối thì ông Romney lại chịu áp lực lớn phải gây ấn tượng tốt ngay từ đầu. Gánh nặng đối với ông Romney càng lớn hơn nữa khi mà cách đây 2 tuần xảy ra vụ rò rỉ video clip trong đó ông Romney tuyên bố có tới 47% dân Mỹ “ăn bám chính phủ” và không nộp thuế liên bang.

 

Cuộc tranh luận trong 90 phút ở Denver sẽ là cơ hội đầu tiên cho người dân Mỹ chứng kiến 2 ứng viên đứng bên nhau trên cùng 1 sân khấu để không chỉ so sánh chính sách của họ mà còn đọ cả dáng vẻ và cách xử sự. Một chút lưỡng lự trong giải thích chính sách, một sự ứng đối thông minh hay việc để lộ tính ngạo mạn đều có thể quyết định kết quả tranh luận nghiêng về bên nào.

 

Sức nặng của các cuộc tranh luận

 

Tờ Người bảo vệ dẫn một số nhà phân tích chính trị cho rằng các cuộc tranh luận như thế này thường không đi tới đâu và nhanh chóng bị lãng quên.

 

Ông John McCain, ứng viên Đảng Cộng hòa thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2008, dự đoán những bước đột phá từ các cuộc tranh luận như vậy ngày càng hiếm trong các thập kỷ gần đây. “Tôi không thể nhớ nổi gần đây nhất có bình luận nào thực sự thu hút sự chú ý của tất cả mọi người, do các ứng viên đã chuẩn bị quá kỹ,” ông này nói với CNN.

 

Mặc dù vậy, trong suốt 52 năm qua kể từ khi có cuộc truyền hình đầu tiên cho tranh luận ứng cử Tổng thống Mỹ, đã có không ít thời khắc mà tranh luận giúp thay đổi cục diện tranh cử.

 

Chẳng hạn, vào năm 1960, ứng viên Dân chủ là John F. Kennedy đã hạ được đối thủ Richard Nixon của phe Cộng hòa sau cuộc tranh luận trên truyền hình mà ở đó, Kennedy trông “phong độ” hơn hẳn còn Nixon thì tỏ ra căng thẳng và không được bảnh bao bằng.

 

Năm 1980, Reagan chiến thắng trong tranh luận và cuộc bầu cử sau đó nhờ vào câu hỏi “Quý vị hãy tự hỏi bản thân xem quý vị có khá giả hơn so với 4 năm trước hay không?’.

 

Một chiến lược gia của Đảng Dân chủ, ông Tad Devine, cho biết năm 1984, ứng viên tổng thống Mondale đã tăng thêm 23 điểm trong thăm dò dư luận sau khi thể hiện tốt trong cuộc tranh luận đầu tiên với Reagan, còn năm 2000, ứng viên Gore mất thế dẫn trước sau cuộc tranh luận với George W. Bush.

 

Gần đây, trong đợt Đảng Dân chủ tìm ứng viên nội bộ cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008, ứng viên Hillary Clinton dù đang dẫn trước ông Obama tới 30 điểm nhưng đã thua cuộc sau khi bà ngập ngừng trước câu hỏi về nhập cư bất hợp pháp trong 1 cuộc tranh luận năm 2007.

 

Và do vậy, chuyên gia Devine cho rằng lần này ông Romney hoàn toàn có thể lật ngược tình thế nếu đội ngũ vận động tranh cử của Mitt Romney đủ khéo léo. Devine gợi ý, nhóm của ông Romney không nên cố đạt tất cả trong vòng 1, mà cần gây dựng thiện cảm ban đầu về ông Romney, rồi từ đó sẽ thay đổi nhiều thứ khác.

 

Chuẩn bị rốt ráo

 

Cả hai phe đều xác định rõ tầm quan trọng của trận đối đầu trực diện đầu tiên nên đã và đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự kiện này.

 

Nhóm vận động của ông Romney cho biết ứng viên Cộng hòa đã tập luyện từ ít nhất là tháng 8 và ông này đã chăm chỉ “luyện công” trong nhiều cuộc tranh luận có tính tập dượt với thượng nghị sĩ Rob Portman (bang Ohio) đóng vai Obama. Trước khi bay tới Denver, ông Romney cũng đã thử tranh luận tại 1 khách sạn ở Burlington, Massachusetts.

 

Còn nhóm của ông Obama thì cho hay, Tổng thống bận việc ở Nhà Trắng nhưng thỉnh thoảng vẫn dành thời gian đến trụ sở Đảng Dân chủ để tập tranh luận, với thượng nghị sĩ John Kerry vào vai Romney. Ngoài ra, ông cũng đã đến vùng Henderson ngoại ô Las Vegas để tự tập thêm.

 

Theo Người bảo vệ, công tác chuẩn bị là rất rốt ráo tại cơ sở của 2 phe, với các clip phát biểu ngắn được làm đi làm lại. Hai bên cũng chuẩn bị cả mô hình bục phát biểu ở Denver, ghi hình lại các buổi tập dượt rồi phân tích kỹ.

 

Reuters cho biết, vì ông Obama có xu hướng nói dông dài và sâu nên các trợ lý của Tổng thống đang cố gắng giúp ông trả lời ngắn gọn hơn và bớt tính chất “giáo sư” đi. Còn Romney thì được tư vấn tránh xuất hiện trong bộ dạng "gắt gỏng" và không nên "lý sự" nhiều về các luật lệ như ông đã từng làm trong một số cuộc tranh luận trước đây.

 

Hai bên đang chuẩn bị chi ly từ chính sách đến ngoại hình. Vẫn theo Người bảo vệ,  ngay cả cravat và áo vest cũng được chọn lựa kỹ lưỡng để tránh bị lẫn vào màu phông phía sau sân khấu.

 

Chiến thuật hai phe

 

Theo thông lệ, hai nhóm vận động tranh cử sẽ ra sức tô vẽ ứng viên đối thủ nhằm làm giảm áp lực kỳ vọng. Chẳng hạn, những người ủng hộ Romney sẽ ca ngợi kỹ năng hùng biện của ông Obama. Trước đó, phó tướng của ông Romney là Paul Ryan phát biểu trên Fox News rằng ông Obama là một “diễn giả rất tài năng”. Trong lúc đó, phe tổng thống sẽ nói rằng ông Romney có nhiều kinh nghiệm về tranh luận. Reuters dẫn lời ông Obama khen đối thủ Romney là “một cây tranh luận cừ” và tự nhận mình chỉ “tàm tạm” thôi.

 

Tuy nhiên, câu chuyện sẽ khác hẳn ngay sau cuộc tranh luận, khi hai bên tung ra cổ động viên tung hô cho ứng viên của phe mình.

 

Một trong những chủ đề lớn cho cuộc tranh luận tối 3/10 là đoạn video ghi lại phát biểu của ông Romney trong 1 buổi gây quỹ tại Florida rằng 47% dân Mỹ “ăn bám chính phủ”. Giới quan sát nhận định, ông Obama sẽ triệt để khai thác điều này, trong khi ông Romney phải tìm cách lý giải cho ổn thỏa.

 

Cựu cố vấn cho ông Romney là Brett O’Donnel trong lần trả lời phỏng vấn của AP tuần trước khẳng định ông Romney không thể lảng tránh nhận xét 47% của mình và sẽ phải “bảo đảm rằng người dân hiểu lý do đằng sau tuyên bố đó”.

 

Mặc dù vấn đề chính sách đối ngoại phải đến cuộc tranh luận thứ 3 mới được bàn, nhưng ông Romney ngay hôm 1/10 đã “đánh phủ đầu” bằng việc cho rằng Tổng thống Obama yếu kém về chính sách đối ngoại và làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ.

 

Reuters cho hay, phe thân ông Romney cũng đã công bố 1 đoạn video đặt nghi vấn đối với phản ứng của Tổng thống trước cuộc tấn công vào Lãnh sự quán của Mỹ ở Benghazi khiến Đại sứ nước này thiệt mạng.

 

Cuộc tranh luận trực tiếp tối 3/10 giữa 2 ứng viên Tổng thống Mỹ sẽ thảo luận các vấn đề như tốc độ hồi phục kinh tế chậm, tỷ lệ thất nghiệp trên 8%, cải cách y tế, nhập cư, và các quyền của phụ nữ./.