Thủ tướng Anh Đavít Camêrôn (David Cameron) cam kết cải thiện vị thế của nước này trong cuộc đua thương mại toàn cầu với việc tăng cường quan hệ với các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đồng thời yêu cầu các nhà ngoại giao Anh phải đóng vai trò như là những "đại sứ kinh tế."
Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại hàng năm tại Khu tài chính Luân Đôn (London) ngày 12/11, Thủ tướng Camêrôn cho biết trong vòng hai năm rưỡi qua, ông đã dẫn đầu nhiều đoàn doanh nghiệp Anh đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và kinh doanh ở nhiều nước và khu vực khác nhau, trong đó có châu Phi, Inđônêxia, vùng Vịnh, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Mêhicô, Braxin, Nhật Bản và Malaixia.
Theo đó, để thúc đẩy quan hệ song phương trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư cũng như giúp doanh nghiệp Anh tiếp cận mạnh mẽ hơn với thị trường nước ngoài, Thủ tướng Anh đã bổ nhiệm 8 đại diện thương mại tới các nước, trong đó có Mêhicô, Angiêri, Nam Phi, Marốc, Inđônêxia, Gioócđani (kiêm nhiệm Côoét và Palextin), Việt Nam (kiêm nhiệm Lào và Campuchia), Adécbaigian (kiêm nhiệm Cadắcxtan và Tuốcmênixtan).
Đồng thời, ông Camêrôn cũng công bố một dự án thử nghiệm trị giá 8 triệu bảng (gần 13 triệu USD) nhằm tăng cường hơn nữa vai trò của các tổ chức doanh nghiệp như các phòng thương mại ở 20 nước chủ chốt. Đây là một phần trong chiến lược của Chính phủ Anh nhằm tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu của xứ sở "Sương mù" lên 1.000 tỷ bảng (khoảng 1.600 tỷ USD) vào năm 2020.
Đề cập các vấn đề của châu Âu, Thủ tướng Camêrôn khẳng định Chính phủ Anh không ủng hộ việc thành lập liên minh ngân hàng của các nước Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vì ông cho rằng liên minh này có thể làm tổn hại việc tiếp cận công bằng của Anh tới một thị trường thống nhất.