Kinh tế Hy Lạp lọt qua “cửa tử”

09:26, 10/11/2012

Cuộc sống như dừng lại ở Hy Lạp trong những giờ qua khi người lao động nước này tham gia cuộc đình công trên toàn quốc phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" hơn nữa của chính phủ.

Các chuyến bay ngừng trệ, giao thông công cộng không hoạt động, nhiều trường học, cửa hàng, cửa hiệu ở thủ đô Athens đồng loạt đóng cửa... Bất chấp khung cảnh hỗn loạn ngay bên ngoài trụ sở Quốc hội giữa khoảng 70.000 người biểu tình với cảnh sát cùng hơi cay, các nghị sĩ Hy Lạp cuối cùng cũng thông qua nghị quyết về gói cắt giảm mới trị giá 18,5 tỷ euro (23,6 tỷ USD) từ nay đến năm 2016.


 

 

Những lá phiếu ủng hộ sít sao của các nghị sĩ Quốc hội đã cứu Chính phủ của Thủ tướng Antonis Samaras khỏi một bàn thua nữa. Trước ngày bỏ phiếu có ý nghĩa quyết định (7/11) với số phận của Athens, Thủ tướng Samaras đã dành nhiều thời gian để kêu gọi các nhà lập pháp hãy gạt bỏ bất đồng vì tương lai của đất nước. Không ít đại biểu dân cử của Hy Lạp cho rằng không thể khổ hạnh thêm nữa khi người thất nghiệp đã đầy đường, lương bổng đã bị cắt giảm quá mức và các sắc thuế đã trở thành gánh nặng với các doanh nghiệp. Nhưng ngặt một nỗi, nếu không "thắt chặt" hơn nữa ngân sách với số tiền 18,5 tỷ euro trong vòng 4 năm tới theo yêu cầu các chủ nợ đưa ra, Athens sẽ không được nhận thêm một xu. Ngân khoản 31,5 tỷ euro trong gói cứu trợ thứ hai mà Liên minh Châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhất trí dành cho Hy Lạp với điều kiện quốc gia nợ nần này đáp ứng những yêu cầu ngặt nghèo về chi tiêu công của liên minh.



Do vậy, rất dễ hiểu khi càng gần đến ngày bỏ phiếu, Thủ tướng Samaras như càng ngồi trên đống lửa. Một bên là sự nổi giận của dân chúng, bên kia là vực thẳm tài chính đang đợi sẵn. Nếu thất bại trong lần "phán quyết" mà không ai dám chắc là "cuối cùng" này, ngày 16/11 tới sẽ là ngày thảm họa của Hy Lạp và Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Đây là thời điểm đất nước của các vị Thần cạn sạch ngân khố và phải treo biển "vỡ nợ". Đây là một quả bom không mong đợi sẽ nổ trên thị trường tài chính Châu Âu và toàn cầu, và nếu nó xảy ra, Athens tất yếu sẽ bị trục xuất khỏi Eurozone. Hậu quả thế nào thì đã quá rõ, sự đổ vỡ của liên minh tiền tệ lớn nhất thế giới sẽ là một khởi đầu cho những điều tồi tệ mà không ai muốn nghĩ tới. Thật khó có thể dự đoán nếu cuộc vực dậy Hy Lạp thất bại thì châu Âu liệu có thể bảo vệ được những mắt xích đang yếu dần như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italia hay không.



Bằng quyết định mới nhất về thắt chặt chi tiêu vừa được thông qua, Athens đã có được "tín chấp" để nhận đợt giải ngân tiếp theo. Chưa thể kỳ vọng khoản cứu trợ 31,5 tỷ euro sẽ tạo ngay đà tăng trưởng cho nền kinh tế đã quá ốm yếu, song trước mắt nó sẽ giúp Hy Lạp có tiền để trang trải và tiếp tục đương đầu với cuộc chiến nợ nần.



Tuy nhiên, Chính phủ của Thủ tướng Samaras mới chỉ vượt qua được khó khăn nội tại. Ngay lúc này đây, bức tường đá tài chính nữa đã ở ngay trước mắt. Đó là sau những ngày làm việc đầy căng thẳng, Hy Lạp vẫn chưa thuyết phục được Troika - nhóm bộ ba chủ nợ gồm Ủy ban Châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - đồng tình với các điều kiện nhận cứu trợ. Hy Lạp muốn kéo dài thời hạn đáp ứng các mục tiêu tài chính thêm hai năm trong khi Troika đang tỏ ra hoài nghi vì nhận thấy nền kinh tế nước này đã trượt sâu hơn vào suy thoái cho dù đã được "tiếp sức" không ít từ bên ngoài suốt thời gian qua.



Những hệ lụy xã hội do cắt lương, giảm thưởng, xóa bỏ nhiều vị trí quản lý hành chính đến giảm chi tiêu công và phúc lợi xã hội kèm với tăng thuế… theo dự luật chi tiêu mới dự báo sẽ gây bất bình lớn trong dân chúng Hy Lạp. Do đó, bảo đảm ổn định xã hội trong khi phải thực thi một quyết sách trái lòng dân sẽ là nhiệm vụ cực kỳ nan giải trong những ngày tới đối với Athens. Nhưng tương lai của Hy Lạp là gắn liền với Eurozone, do đó uy tín, sự thịnh vượng của Eurozone cũng đang bị thách thức. Mối quan hệ nhiều ràng buộc này tiếp tục được hy vọng sẽ giúp đẩy tâm bão nợ công rời xa đất nước bên bờ Địa Trung Hải.