Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hôm qua thông qua quy chế nhà nước quan sát viên cho Palestine, với đa số phiếu thuận.
Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua quy chế nhà nước quan sát viên cho Palestine với 138 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 41 phiếu trắng.
"Chúng tôi ở đây cho những nỗ lực nghiêm túc để đạt được hòa bình", Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas phát biểu trước Đại Hội đồng trước buổi bỏ phiếu.
Trong bài phát biểu Tổng thống Palestine nói ông "không đến đây để phản đối việc hợp pháp hóa sự thành lập nhà nước Israel trong quá khứ". Tuy nhiên, ông lên án Israel vì gây bất ổn trong khu vực và cáo buộc Israel tiến hành "thanh lọc sắc tộc" ở dải Gaza trong các chiến dịch không kích bằng tên lửa vào các thành phố và thị xã trong Israel.
Tổng thống Palestine nói sự chiếm đóng của Israel "đang trở thành hệ thống phân biệt chủng tộc", "thúc đẩy và khuyến khích hận thù chủng tộc". "Cửa sổ của cơ hội đang thu hẹp và thời gian đang gần hết", ông nói.
Bài phát biểu của Abbas và vòng bỏ phiếu nhận được tràng pháo tay lớn của Đại Hội đồng, AP cho hay. Cuộc bỏ phiếu có hiệu lực công nhận Palestine là một nhà nước, tuy nhiên không phải là thành viên của Liên Hợp Quốc. Tư cách thành viên sẽ do Hội đồng Bảo an cấp. Tuy nhiên, sự công nhận lần này có thể cho phép chính quyền Palestine đệ đơn kiện Israel lên Tòa án Công lý Quốc tế.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi bài phát biểu của ông Abbas là "phỉ báng và nham hiểm", đồng thời tuyên bố rằng đó là "tuyên bố gian dối chống lại Israel".
Mỹ, nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết, ngay lập tức chỉ trích cuộc bỏ phiếu. Mỹ và Israel nói rằng cuộc bầu cử sẽ làm cho người Palestine có ít khả năng thỏa hiệp về những lựa chọn khó khăn và gây cản trở cho việc duy trì hòa bình lâu dài cho hai bên.
Sau cuộc bỏ phiếu của Đại Hội đồng, người Palestine ở Bờ Tây đổ ra đường ăn mừng thắng lợi. Họ ôm nhau và bấm còi xe suốt buổi tối. Ở thành phố Bờ Tây Ramallah, hàng trăm người tụ tập ở quảng trường chính, vẫy cờ Palestine và hô vang "Cảm ơn Chúa".
Ông Abbas nói rằng Palestine sẽ không chấp nhận nếu nước này còn chưa được công nhận là quốc gia độc lập với thành phố Đông Jerusalem là thủ đô của toàn bộ phần lãnh thổ bị đánh chiến từ cuộc chiến năm 1967 và giải quyết vấn đề của hàng triệu con người dòng dõi Palestine còn đang phải tị nạn.
Vuk Jeremic, Chủ tịch Đại Hội đồng công nhận tính chất lịch sử của cuộc bỏ phiếu và kêu gọi các nhà lãnh đạo Israel và Palestine "hợp tác vì hòa bình, đàm phán trong sự tin cậy và thành công". Cho đến ngày 29/11, chính quyền Palestine có tư cách thực thể quan sát viên. Kể từ ngày hôm nay, Palestine trở thành nhà nước quan sát viên của Liên Hợp Quốc.