Sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản cố định đều tăng hơn dự kiến trong tháng 10.
Trung Quốc vừa công bố một loạt các dữ liệu kinh tế rất khả quan, cho thấy tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này có thể phục hồi. Sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản cố định đều tăng hơn dự kiến trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát đã giảm, tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách triển khai các biện pháp kích thích kinh tế nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Các con số trên xuất hiện khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chạm đáy thấp nhất trong 3 năm. Sản lượng sản xuất tăng 9,6% trong khi doanh số bán lẻ đã tăng 14,5% cho thấy nhu cầu nội địa đang trên đà tăng.
Tăng trưởng tiêu dùng trong nước đóng vai trò trọng tâm khi nhu cầu xuất khẩu, động lực chính của nền kinh tế cho đến năm 2008 bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thị trường Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản rơi vào tình trạng trì trệ.
Doanh số bán hàng ở nước ngoài sụt giảm và tình hình kinh tế suy thoái đã buộc các nhà hoạch định kinh tế Trung Quốc thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để thúc đẩy tiêu dùng trong nước vào năm nay.
Chính phủ đã cắt giảm lãi suất 2 lần kể từ tháng 6 và hạ mức dự trữ ngân hàng 3 lần trong vài tháng qua để đẩy mạnh hoạt động cho vay. Trong nỗ lực để tăng tiêu dùng nội địa, Bắc Kinh đã phê duyệt các dự án cơ sở hạ tầng mới trị giá hơn 150 tỷ USD (tương đương 94 tỷ bảng Anh).
Các nhà phân tích cho rằng khi Trung Quốc không đưa ra chương trình kích thích kinh tế lớn, tỷ lệ lạm phát thấp đồng nghĩa với việc chính phủ có thể tiếp tục triển khai các biện pháp hiện hành mà không cần phải lo đến tác động của giá tiêu dùng. Giá tiêu dùng tăng 1,7% so với một năm trước đó, mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm 2010.