Dù chưa đạt được kết luận cuối cùng, nhưng các tuyên bố từ Đan Mạch, Pháp, Anh phát đi hàm ý phủ quyết dự thảo ngân sách dài hạn châu Âu đã một lần nữa cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong Liên minh châu Âu (EU).
Kể từ khi dự thảo về ngân sách giai đoạn 2014-2020 được Ủy ban châu Âu công bố hồi tháng 2/2011 với đề xuất mức đóng góp sẽ được giới hạn ở mức 1% GDP của các nước nước thành viên, những cuộc tranh cãi đã liên tiếp nổ ra. Bất chấp sự ủng hộ của 15 nước trước đề xuất tăng ngân sách nhằm thúc đẩy sự phát triển và năng lực cạnh tranh kinh tế ở các nước nghèo hơn trong khối. Hầu hết các nền kinh tế chủ chốt của EU lại cảnh báo sẽ phủ quyết dự thảo ngân sách do phần đóng góp của mình đã tăng lên. Trước sức ép từ việc phải cắt giảm ngân sách ngày càng đè nặng lên vai các Chính phủ giàu có tại châu Âu, sự cứng rắn của các quốc gia này là hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng nó lại mở ra một nguy cơ khác, cao hơn là ảnh hưởng tới khả năng phản ứng của khối trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Tuần trước, Chính phủ Đan Mạch đã tuyên bố sẽ phủ quyết kế hoạch ngân sách dài hạn của EU nếu nước này không được giảm phần đóng góp cho ngân sách của tổ chức. Theo chân Đan Mạch, Chính phủ Pháp cũng dọa sẽ phủ quyết ngân sách giai đoạn 2014 - 2020 và không ủng hộ bất kỳ sự cắt giảm tiếp theo nào trong ngân sách dành cho khu vực nông nghiệp. Tại Anh, việc Quốc hội phủ quyết dự thảo ngân sách EU dài hạn là một đòn giáng mạnh vào uy tín của Chính phủ. Trên bình diện đối ngoại, cam kết về một lập trường cứng rắn của Thủ tướng David Cameron trong đàm phán về ngân sách một lần nữa cho thấy nhiều sóng gió sẽ nổi lên tại Hội nghị sắp tới nếu không có một thỏa thuận có lợi cho nước Anh. Trong khi đó, bất đồng về ngân sách giữa Anh và Đức đã bị đẩy lên đỉnh điểm khi Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo sẽ tìm cách hủy Hội nghị vốn được dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 22-23/11 tới và tiến hành một kế hoạch làm suy giảm vai trò của Anh trong EU nếu London vẫn quyết tâm đối đầu phủ quyết bất cứ thỏa thuận nào liên quan đến việc tăng ngân sách cho khối.
Bất đồng về ngân sách nói riêng và các chính sách khác nói chung của EU là khó tránh khỏi, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế của các nước không mấy khả quan. Vì thế, nhiều khả năng cuộc đàm phán về ngân sách dài hạn của EU, dự kiến diễn ra tại Hội nghị cấp cao khu vực vào cuối tháng này sẽ không đạt được bước tiến triển khả quan nào. Khi đó, những bất đồng trong nội bộ sẽ tạo ra hố sâu ngăn cách giữa các nước thành viên và hậu quả tất yếu là căn bệnh nợ công sẽ không chỉ dừng lại ở Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hay Italia.