Sau ngày 6-11, nước Mỹ sẽ biết ai là chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng. Không chỉ riêng xứ Cờ hoa, mà những người quan tâm đến chính trị trên toàn thế giới cũng đang hồi hộp và đồn đoán, liệu đương kim Tổng thống Barack Obama có tái cử hay trở thành Tổng thống một nhiệm kỳ để nhường ngôi cho đối thủ Mitt Romney của đảng Cộng hòa?
Vào lúc này, cuộc đua vào Nhà Trắng đang vô cùng gay cấn khi các cuộc thăm dò khắp nước Mỹ cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống B.Obama luôn sít sao với đối thủ đảng Cộng hòa M.Romney là 47,4% và 47,3%. Tuy nhiên, Tổng thống B.Obama vẫn dẫn trước ông M.Romney tại những bang có lá phiếu quyết định. Theo kết quả thăm dò do NBC News/ Wall Street Journal/Marist vừa tiến hành hôm 2-11 cho thấy đương kim Tổng thống B.Obama tiếp tục dẫn điểm trước Thượng nghị sĩ M.Romney tại hai bang then chốt là Ohio và Florida. Chiến thắng tại hai bang kể trên sẽ là chìa khóa quan trọng cho chiến thắng chung cuộc vì bang Ohio và Florida lần lượt có 18 và 29 phiếu đại cử tri. Ứng cử viên nào giành được 270 phiếu đại cử tri trên cả nước sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Tại thời điểm cuộc đua nước rút, Bộ Lao động Mỹ vừa công bố báo cáo cho thấy đã tạo thêm 171.000 việc làm ổn định trong tháng 10 và hơn nửa triệu người Mỹ đã gia nhập lực lượng lao động. Đây là những dấu hiệu mới nhất thể hiện sự phục hồi kinh tế Mỹ. Trong cuộc vận động trước ngày bầu cử 6-11, cả hai ứng cử viên đã đều cố gắng khai thác báo cáo này để lôi kéo những cử tri còn do dự. Trong cuộc vận động tranh cử tại bang Ohio, Tổng thống B.Obama khẳng định báo cáo trên cho thấy các chính sách trong 4 năm qua của Nhà Trắng đã đưa nước Mỹ bước tiếp trên con đường phục hồi. Tuy số liệu về việc làm trên chưa đủ mạnh để giúp Tổng thống B.Obama nhưng cũng không tạo lợi thế vượt trội cho ông M.Romney trong một vấn đề đang được cả nước Mỹ quan tâm là việc làm.
Trên thực tế, điều mà người Mỹ quan tâm nhất vẫn là kinh tế - xã hội bởi các cử tri vẫn bị ảnh hưởng từ nền kinh tế ảm đạm. Người dân Mỹ đã quá mệt mỏi với khủng hoảng và suy thoái kinh tế và sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo của nước này. Dù bỏ phiếu cho Tổng thống B.Obama hay ông M.Romney, điều khiến người dân Mỹ bận tâm nhất hiện nay không phải là các chính sách đối ngoại tìm kiếm thêm ảnh hưởng cho nước Mỹ mà chính là những vấn đề sát thực nhất: việc làm và điều kiện sống. Nói cách khác, điều người dân xứ Cờ hoa cần nhất lúc này là những kết quả được nhìn thấy về tạo thêm việc làm, phân phối lại tài sản hợp lý và giảm khoảng cách giàu nghèo. Vì vậy, những lá phiếu của các cử tri không đơn giản chọn ra người ngồi vào chiếc ghế tổng thống, mà còn quyết định "bộ mặt nước Mỹ" trong ít nhất 4 năm tới. Đây rõ ràng là một bất lợi cho Tổng thống B.Obama khi ông bước vào chiến dịch tái tranh cử trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều bề bộn. Trong khi đó đối thủ M.Romney và liên danh tranh cử Paul Ryan cùng đảng Cộng hòa được hậu thuẫn bởi những ông chủ lắm tiền, nóng lòng muốn "tiêu diệt" Tổng thống B.Obama. Họ đổ lỗi cho chính sách mà đương kim Tổng thống đang theo đuổi đã gây ra những bất ổn kinh tế hiện nay và hy vọng cử tri sẽ mất dần tình cảm cũng như đầu tư chính trị cho vị tổng thống đương nhiệm.
Tuy nhiên, có một lợi thế lớn dành cho Tổng thống B.Obama. Đó là cử tri dường như vẫn rất yêu mến ông, nhiều người vẫn trung thành với ông, mặc dù họ cho ông điểm thấp về cách đối phó với kinh tế. Ít nhất, Tổng thống B.Obama cũng thể hiện được rằng ông đang đứng về phía tầng lớp trung lưu, làm mọi việc để tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm cho người lao động và không xem thường tầng lớp này như đối thủ M.Romney. Do đó, nếu trong những giờ tới Tổng thống B.Obama tiếp tục thuyết phục được những người ủng hộ từ năm 2008 trở lại phòng bỏ phiếu vào ngày mai (6-11), đồng thời thuyết phục được những cử tri do dự rằng nghị sĩ M.Romney không hề đặt lợi ích của họ vào trọng tâm, thì Tổng thống B.Obama sẽ giành chiến thắng.
Lúc này, nước Mỹ cũng như thế giới đang chờ đợi sự kiện Tổng thống B.Obama hay nghị sĩ M.Romney sẽ là chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng, câu trả lời sẽ có ngay sau 24 giờ tới.