Châu Á - Thái Bình Dương nói chung, khu vực Đông Nam Á nói riêng đang trở thành điểm đến của nhiều nhà lãnh đạo Mỹ trong thời gian qua.
Khác với thông lệ - thường chọn các đồng minh chiến lược đến thăm, chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử của Tổng thống Barack Obama bắt đầu từ hôm nay (17/11) tới ba nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm: Myanmar, Thái Lan và Campuchia cho thấy, Đông Nam Á có vị trí quan trọng thế nào trên bàn cờ chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Chặng dừng chân đầu tiên của Tổng thống B.Obama là Myanmar. Sự hiện diện của Tổng thống B.Obama tại đất nước Ngọc bích là một dấu ấn lịch sử bởi đây là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tới quốc gia ASEAN này. Chuyến thăm Myanmar của Tổng thống B.Obama được kỳ vọng sẽ nâng tầm quan hệ hai nước, đặc biệt sau khi Washington nới lỏng hầu hết các lệnh cấm vận với Myanmar như một khẳng định các chương trình cải cách đang được thực thi; đồng thời khuyến khích những tiến triển về dân chủ tại đất nước này sau những năm tháng dài dưới chế độ quân sự.
Thái Lan là chặng dừng chân thứ hai của ông chủ Nhà Trắng trong chuyến công du Đông Nam Á. Đây là một trong năm quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là đồng minh chiến lược của Mỹ bên cạnh Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Philippines. Chuyến công du còn mang nhiều ý nghĩa hơn khi hai nước đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 180 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trước khi Tổng thống B.Obama đặt chân đến Bangkok, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ở thăm Thái Lan đã cùng người đồng cấp Sukumpol Suwanatat ký kết "Tuyên bố Tầm nhìn chung" khẳng định quan hệ liên minh quốc phòng hai nước nhằm duy trì an ninh và hòa bình tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng sẽ là nội dung chính trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống B.Obama với nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra.
Là điểm đến cuối cùng trong chuyến công du Đông Nam Á của Tổng thống B.Obama nhưng không có nghĩa Campuchia kém phần quan trọng trong chính sách châu Á của Nhà Trắng. Mục đích trước tiên của người đứng đầu nước Mỹ tới Campuchia là để tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và gặp gỡ các nhà lãnh đạo ASEAN. Trong khuôn khổ chuyến thăm Campuchia và dự EAS, Tổng thống B.Obama sẽ có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo nước chủ nhà để trao đổi việc thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.
Cùng với việc tăng cường quan hệ đối với các đồng minh chiến lược trong khu vực, chuyến công du ba nước ASEAN của Tổng thống B.Obama một lần nữa cho thấy, Mỹ đang khẳng định "Chính sách trở lại Châu Á" như một ưu tiên đối ngoại của nước này ít nhất là trong 4 năm tới. Có nhiều lý do khiến Washington quan tâm đến ASEAN. Với hơn 600 triệu dân và tổng GDP khoảng 1,3 nghìn tỷ USD, ASEAN hiện là nơi tiếp nhận đầu tư của Mỹ nhiều hơn hẳn so với Trung Quốc hay Ấn Độ. Về thương mại và đầu tư, ASEAN chiếm 153 tỷ USD đầu tư của Mỹ - nhiều gấp ba lần mức 45 tỷ USD vào Trung Quốc và gần 10 lần mức 16 tỷ vào Ấn Độ. Con số này chưa tính tới các khoản đầu tư vào ngành dầu khí, do đó tổng số tiền đầu tư có thể là gấp đôi.
Mỹ là thị trường lớn nhất của ASEAN. Trong khi đó, ASEAN là thị trường lớn thứ tư của Mỹ. Về các lợi ích an ninh và chiến lược, ASEAN có hai trong số năm đồng minh của Mỹ ở Châu Á là Philippines và Thái Lan. Với nhiều lợi thế địa - chính trị, kinh tế và chiến lược, ASEAN ngày càng trở thành điểm đến của các quốc gia hàng đầu trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Như vậy, cuộc đua giành ảnh hưởng với ASEAN là dễ hiểu và Mỹ với tư cách là cường quốc số 1 không thể đứng ngoài hay đánh giá thấp những lợi ích căn bản tại khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến bờ Tây của nước Mỹ.
Sự kiện Tổng thống B.Obama chọn Đông Nam Á là điểm đến ngay sau ngày tái đắc cử là một nước cờ khôn ngoan, mang tính chiến lược nhằm khẳng định hướng ưu tiên ngoại giao Mỹ trong nhiệm kỳ hai. Nhưng, như thế không có nghĩa khu vực khác, nhất là Trung Đông kém quan trọng hơn. Dù bất ổn và phức tạp nhưng Trung Đông trên thực tế vẫn là trụ cột năng lượng của thế giới. Và, Mỹ không thể từ bỏ lợi ích ở khu vực dù rất nóng bỏng này.