Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bảo đảm hoạt động của Cơ chế giám sát chung (SSM) của Liên minh châu Âu (EU), sẽ trực tiếp kiểm soát hoạt động của 1.000 ngân hàng thuộc các nước Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Đó là tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng Pháp Christian Noyer, đồng thời là một trong những thành viên Hội đồng quản trị ECB, đưa ra trên kênh truyền hình Pháp ngày 18/12.
Ông Noyer cho biết bộ trưởng Kinh tế và Tài chính các nước Liên minh châu Âu (EU) trong tuần trước đã nhất trí thành lập một cơ chế giám sát chung đối với khu vực ngân hàng và dự kiến sẽ đưa cơ chế này vào hoạt động từ ngày 1/3/2014.
Theo thỏa thuận đã đạt được, ECB sẽ "bảo trợ" hoạt động của 150-200 cơ quan tài chính-tín dụng thuộc Eurozone. Tuy nhiên, đó không đơn thuần là 200 ngân hàng, mà là 200 tập đoàn ngân hàng, bao gồm khoảng 1.000 trong tổng số 6.000 ngân hàng hiện có trong Eurozone.
Thống đốc Ngân hàng Pháp cho rằng việc thiết lập Cơ chế giám sát chung là một bước tiến lớn trên con đường phát triển châu Âu, giúp củng cố liên minh kinh tế-tiền tệ. Tuy nhiên, ông Noyer cũng cho rằng một trong những hạn chế chủ yếu của cơ chế giám sát nói trên là ở chỗ số các ngân hàng được giám sát tương đối ít, và điều này cần phải sớm được khắc phục.
Cuối tuần qua, nguyên thủ và thủ tướng 27 nước thành viên EU đã thông qua kế hoạch thành lập Liên minh ngân hàng châu Âu, trong đó bước đi đầu tiên sẽ là khởi động Cơ chế giám sát chung của EU. Bước tiếp theo sẽ là đưa vào hoạt động hệ thống tái cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng gặp khó khăn thông qua Cơ chế ổn định châu Âu hiện hành.
Việc EU thiết lập Cơ chế giám sát chung là bước đi quan trọng, cho phép khắc phục vòng luẩn quẩn giữa nợ xấu ngân hàng và nợ công, giúp các nền kinh tế khu vực đối phó tốt hơn với cuộc khủng hoảng tiền tệ trầm trọng hiện nay.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 18/12, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poor's đã nâng xếp hạng nợ dài hạn của Hy Lạp bằng đồng nội tệ và ngoại tệ lên sáu bậc, từ mức SD (vỡ nợ có lựa chọn) lên mức B- với đánh giá triển vọng ổn định. Ngoài ra, xếp hạng nợ ngắn hạn của Hy Lạp cũng được nâng lên mức B.
Các chuyên gia S&P nhận định quyết định của các chủ nợ quốc tế giải ngân khoản cứu trợ tiếp theo cho Hy Lạp cũng như nỗ lực của Athens mua lại trái phiếu chính phủ, cho phép S&P đưa ra những đánh giá khả quan nói trên.